Đột kích cơ sở sản xuất gia vị lẩu giả bán cho nhiều nhà hàng lớn, đã tiêu thụ đến 6,5 triệu chai, tổng số tiền liên quan hơn 51 tỷ đồng

Admin

01/07/2025 20:54

Sau thời gian dài theo dõi, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thành công triệt phá loạt cơ sở sản xuất gia vị giả gắn nhãn mác thương hiệu lớn tuồn ra thị trường.

Năm 2024, Công an thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về an toàn thực phẩm và môi trường đã triệt phá thành công một đường dây chuyên sản xuất, tiêu thụ dầu nấu lẩu, gia vị lẩu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng. Lực lượng chức năng đã triệt phá 7 cơ sở sản xuất, xác định số lượng hàng giả đã tiêu thụ ra thị trường lên tới 6,5 triệu chai, với tổng giá trị liên quan hơn 14 triệu nhân dân tệ (khoảng hơn 51 tỷ đồng).

Vụ việc bắt đầu từ tháng 9/2024, khi trong quá trình kiểm tra, rà soát doanh nghiệp địa phương, cảnh sát Thành Đô phát hiện các thương hiệu gia vị lẩu nổi tiếng bị làm giả tràn lan trên thị trường. Điều đáng lo ngại là hàng chục nhà hàng nhượng quyền trên khắp Trung Quốc đang sử dụng các loại dầu lẩu và gia vị lẩu mang nhãn hiệu giả, có giá thành rẻ và nguồn gốc không rõ ràng. Đây không chỉ là hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà còn tiềm ẩn rủi ro lớn đối với an toàn thực phẩm.

Từ các đầu mối ban đầu, Công an thành phố Thành Đô phối hợp cùng các lực lượng chuyên môn tiến hành điều tra chuyên sâu đường dây sản xuất nguyên liệu giả này. Thông qua việc truy vết hình ảnh, theo dõi lộ trình vận chuyển, và phân tích dòng tiền, chuyên án đã khoanh vùng được 4 cơ sở sản xuất tại Thành Đô và Trùng Khánh. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn phát hiện thêm 3 địa điểm in ấn và thiết kế nhãn mác giả, có dấu hiệu xâm phạm bản quyền thương hiệu.

Đột kích cơ sở sản xuất gia vị lẩu giả bán cho nhiều nhà hàng lớn, đã tiêu thụ đến 6,5 triệu chai, tổng số tiền liên quan hơn 51 tỷ đồng- Ảnh 1.

Dây chuyền sản xuất gia vị lẩu giả

Để chặn đứng đường dây này, từ ngày 9 - 12/9/2024, lực lượng chuyên án đồng loạt ra quân tại các địa bàn trọng điểm như quận Long Tuyền Dịch (Thành Đô) và khu Sa Bình Bá (Trùng Khánh). Kết quả, 7 cơ sở sản xuất và in ấn bị triệt phá, 12 nghi phạm bị bắt giữ, 5 dây chuyền sản xuất bị thu giữ. Cảnh sát còn thu giữ hơn 13.000 chai dầu pha chế giả và hơn 150.000 tem nhãn mang hình ảnh, logo giả mạo hai thương hiệu lẩu nói trên.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ tháng 6/2021, các nghi phạm gồm Khỉnh, Tôn và Hà đã cùng nhau thành lập xưởng sản xuất dầu pha chế. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ mạnh của các chuỗi nhà hàng lẩu, nhóm này tổ chức sản xuất dầu với nguyên liệu giá rẻ, sau đó dán nhãn giả các thương hiệu nổi tiếng để nâng giá trị sản phẩm.

Không dừng lại ở khâu sản xuất, nhóm đối tượng còn tuyển dụng thêm Lưu, Vương và Chương để thành lập đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp. Nhóm này chủ động tìm kiếm khách hàng là các nhà hàng lẩu, đại lý nhượng quyền, sau đó chào hàng với mức giá thấp để đánh vào tâm lý tiết kiệm chi phí đầu vào.

Đột kích cơ sở sản xuất gia vị lẩu giả bán cho nhiều nhà hàng lớn, đã tiêu thụ đến 6,5 triệu chai, tổng số tiền liên quan hơn 51 tỷ đồng- Ảnh 2.

Các sản phẩm đều là hàng kém chất lượng được gắn nhãn mác thương hiệu lớn

Cảnh sát cho biết, việc dán nhãn giả để đánh lừa người tiêu dùng và đối tác mua hàng là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cả quyền lợi doanh nghiệp chính hãng lẫn chất lượng thực phẩm trên thị trường. Toàn bộ 12 nghi phạm sau đó đã bị áp dụng các biện pháp ngăn chặn hình sự và xét xử theo quy định của pháp luật Trung Quốc.

Theo thông tin từ Công an thành phố Thành Đô, trong năm 2024, lực lượng chức năng đã liên tục đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và hàng hóa giả mạo. Toàn thành phố đã khởi tố 175 vụ án hình sự liên quan đến hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ và sản xuất - kinh doanh hàng giả, với 602 nghi phạm bị áp dụng các biện pháp tố tụng và 91 vụ đã được chuyển cơ quan kiểm sát đề nghị truy tố.

(Theo Baijiahao)