Tại quận Tam Dân, thành phố Cao Hùng, Đài Loan, Trung Quốc, có một ngôi nhà nhỏ bé hình tam giác, tọa lạc ngay trên đường Kiến Công – một vị trí vô cùng đắc địa khi nằm ngay tuyến tàu điện ngầm MRT, một giao điểm có giá trị cao về mặt thương mại. Tuy nhiên, điều khiến ngôi nhà này trở thành đề tài nóng hổi không phải chỉ bởi vị trí mà còn bởi kích thước và mức giá mà chủ sở hữu chào bán.

Ảnh: News.ttv
Theo đó, ngôi nhà đặc biệt này có diện tích sàn khoảng 4,2m2, với chiều rộng chỉ 2m. Nhìn từ phía trước, nó giống như một phần của dãy nhà phố với tầng 1 là cửa hàng, nằm ngay trục đường lớn – vị trí lý tưởng để kinh doanh. Tuy nhiên chỉ cần đi vòng sang một bên, người ta mới nhận ra không gian của nó vô cùng chật hẹp – hầu như không đủ để đặt bất kỳ đồ nội thất nào. Chính sự nhỏ bé này đã khiến ngôi nhà này được gọi là “căn nhà siêu mỏng” và trở nên vô cùng nổi bật giữa những dự án BĐS đồ sộ xung quanh.
Vào khoảng năm 2020, ngôi nhà này nằm ngay rìa của khu đất mà một nhà đầu tư đang có ý định mua lại để phát triển dự án bất động sản quy mô lớn. Theo thông tin ghi nhận được, chủ đầu tư đã mua lại tổng cộng 428m2 với giá khoảng 1,12 triệu Đài tệ/m2. Trong khi đó, mảnh đất nơi “ngôi nhà siêu mỏng” này tọa lạc chỉ rộng khoảng 4,2m2. Với mức giá thị trường khoảng 1 triệu Đài tệ/m2, giá trị ước tính của nó chỉ vào khoảng 4,2 triệu Đài tệ (hơn 3,3 tỷ đồng). Tuy nhiên, gia chủ lại yêu cầu mức giá lên tới 30 triệu Đài tệ (hơn 24 tỷ đồng) thì mới chấp nhận di dời – tức hơn 7,14 triệu Đài tệ/m2, cao gấp 6-7 lần giá trị thị trường thực tế. Mức giá này đã khiến cuộc đàm phán giữa hai bên thất bại.
Một môi giới bất động sản địa phương cho biết: “Bất động sản này rất đặc biệt và rất nhỏ, không thể định giá theo tiêu chuẩn thông thường. Không thể nói là đắt hay rẻ, vì nó quá độc đáo.” Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia trong ngành đều nhận định rằng việc đẩy giá quá cao khiến bất động sản này mất đi tính thực tiễn và không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư.

Ảnh: News.ttv
Theo những nhà môi giới tại đây, trong quy hoạch xây dựng hiện đại, một mảnh đất nhỏ hơn 6m2 không thể được phát triển hay sử dụng độc lập nếu không nằm trong một tổng thể quy hoạch lớn. Điều này có nghĩa là nếu nhà đầu tư không thể mua được “ngôi nhà siêu mỏng” này, họ có thể sẽ phải bỏ qua phần đất này trong dự án, dẫn đến việc nó trở thành “nhà đinh”.
Họ cho rằng khi mà dự án xây dựng liền kề với tổng diện tích lên tới 260 m2 đã được khởi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2027, thì ngôi nhà siêu mỏng trên vẫn ở đó như một “hòn đảo cô lập” giữa biển cao ốc. Vào năm 2024, ngôi nhà được cho thuê làm cửa hàng đồ uống với giá thuê 15.000 Đài tệ/tháng (hơn 12 triệu đồng) – con số khá khiêm tốn so với giá trị đất mà chủ nhà đưa ra. Chủ cửa hàng này cho rằng với tình hình hiện tại, chủ đầu tư không còn hứng thú mua lại nữa.
Một người dân sống gần đó chia sẻ: “Tôi nghe nói giá nhà này rất cao. Nếu chủ nhà chỉ đòi cao hơn thị trường một chút, có thể người ta vẫn chấp nhận. Nhưng khi đẩy giá lên gấp nhiều lần như vậy, không ai muốn mua cả.”

Ảnh: News.ttv
Ông Trịnh Kỳ Phong – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Cao Hùng cũng nhận định rằng nếu trong quá trình quy hoạch, chủ đầu tư có thể loại trừ phần đất này vì họ không sẵn sàng chi một khoản tiền khổng lồ để mua lại một diện tích quá nhỏ, không thể phát triển hay cải tạo được gì. Còn theo các chuyên gia, giá trị của ngôi nhà này hiện nay đã không còn phù hợp để tích hợp vào quy hoạch. Diện tích sàn quá nhỏ, công năng sử dụng gần như bằng không và trong tương lai chỉ có thể bán lại với mức giá chiết khấu ít nhất 20%.
Khi công trình cao tầng bên cạnh hoàn thành, “ngôi nhà siêu mỏng” này sẽ trở thành một biểu tượng kỳ quặc giữa lòng đô thị. Điều đó như một minh chứng rõ ràng cho những cuộc thương lượng thất bại trong giới bất động sản hiện đại.
Theo News.ttv
Hoặc