Đóng hơn 460 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội, khi nghỉ hưu, người phụ nữ lại không được trả lương, tòa án: Lỗi là ở bà

Admin

28/04/2025 20:30

Trước khi về hưu, người phụ nữ ngày đã chủ động đóng bảo hiểm xã hội 1 lần tại đơn vị công tác nhằm nhận chế độ lương hưu. Nhưng mọi chuyện lại chẳng đơn giản như bà nghĩ

Theo QQ, bà Từ bắt đầu làm việc tại Đại học Hà Nam, Trung Quốc vào năm 2002 với vai trò giáo viên tạm thời. Thời điểm đó, bà nhận lương theo giờ dạy, được thanh toán vào mỗi học kỳ. Công việc bấp bênh, thu nhập thấp, nhưng bà vẫn nỗ lực cống hiến. 

Ba năm sau, bà được chuyển sang làm cố vấn học tập với mức lương cố định 400 NDT/tháng. Một con số khiêm tốn so với nhu cầu sinh hoạt. Đến năm 2008, bà tiếp tục được điều chuyển sang phòng văn thư, nơi bà gắn bó cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2018.

Là một nhân viên tạm thời, bà Từ không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bất kỳ chế độ phúc lợi nào khác. Mức lương cuối cùng của bà chỉ dừng ở mức 1.800 tệ/tháng (khoảng 6,4 triệu đồng). 

Trong suốt 16 năm làm việc, bà nhiều lần phản ánh vấn đề bảo hiểm xã hội với lãnh đạo nhà trường, nhưng chỉ nhận được những lời hứa hẹn mơ hồ. “Nhà trường luôn nói đang xem xét giải quyết cho nhân viên tạm thời, nhưng tôi chờ mãi vẫn không thấy gì”, bà kể lại. Trong khi đó, các nhân viên tạm thời ở các bộ phận khác của trường đã được giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội, khiến bà càng thêm chạnh lòng. “Các nhân viên tạm thời ở bộ phận khác đều đã được giải quyết, chỉ riêng tôi là chưa,” bà Từ cay đắng nói.

Đóng hơn 460 triệu đồng tiền bảo hiểm xã hội, khi nghỉ hưu, người phụ nữ lại không được trả lương, tòa án: Lỗi là ở bà- Ảnh 1.

Bà Từ chẳng ngờ rằng mình lại rơi vào hoàn cảnh eo le đến thế này.

Năm 2018, khi chỉ còn một tháng nữa là đến tuổi nghỉ hưu, bà Từ biết rằng người lao động có thể tự đóng bảo hiểm xã hội 1 lần mà không cần đến sự hỗ trợ của nhà trường để hưởng quyền lợi hưu trí. Từ đây, bà tìm cách xoay xở nhằm nộp đủ khoản tiền này. Theo đó, số tiền bà phải đóng là 130.000 NDT (khoảng 460 triệu đồng). Một con số khổng lồ so với khả năng tài chính của bà. Người phụ nữ này cho biết quyết định này không chỉ là nỗ lực để đảm bảo cuộc sống sau nghỉ hưu, mà còn là trách nhiệm của bà với tương lai của chính mình.

Sau khi nghỉ hưu, bà Từ vẫn tiếp tục làm việc tại trường Đại học Hà Nam nhưng không ký hợp đồng. Trong khoảng thời gian đó, bà Từ không nhận được lương hưu nên đã không ngừng yêu cầu Đại học Hà Nam cần thực hiện đúng theo quy định. 

Trong suốt 6 năm, từ năm 2018 đến năm 2024, bà kiên trì liên hệ với nhà trường, nhưng chỉ nhận được sự né tránh. Quá bức xúc trước thái độ vô trách nhiệm của nhà trường, tháng 6 năm 2024, bà quyết định khởi kiện Đại học Hà Nam ra Tòa án quận thuộc thành phố Khai Phong, Trung Quốc.

Tại phiên xét xử, tòa án xác nhận mối quan hệ lao động giữa bà Từ và Đại học Hà Nam từ năm 2002 đến năm 2018. Tuy nhiên, một chi tiết pháp lý đã khiến bà rơi vào tuyệt vọng. Theo Luật hòa giải và trọng tài tranh chấp lao động của Trung Quốc, thời hạn yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp lao động là 1 năm kể từ ngày chấm dứt quan hệ hợp đồng. Ở thời điểm khởi kiện, vụ việc đã diễn ra cách đó 6 năm. Vì vậy yêu cầu hoàn trả 130.000 NDT tiền bảo hiểm của bà không được tòa án chấp nhận.  

Phán quyết của tòa án như một cú sốc nặng nề đối với bà Từ. Không chỉ không được hoàn trả số tiền bảo hiểm đã vay mượn để đóng, bà còn bị Đại học Hà Nam sa thải ngay sau đó. Từ một người lao động cống hiến 16 năm, bà trở thành người thất nghiệp, không có thu nhập và vẫn chưa tìm được công việc mới. Bà Từ đau lòng chia sẻ: “Tôi không chỉ mất số tiền bảo hiểm mà còn mất việc làm. Bây giờ tôi vô cùng rối bời.”

Sau khi có phán quyết của tòa án, vụ việc được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người không khỏi xót xa cho trường hợp của cụ bà này. 

(Theo QQ, 163)