Theo Sohu, năm 2012, gia đình họ Ngô tại Tô Châu, Trung Quốc đã ký hợp đồng vay hơn 300.000 NDT (khoảng 1 tỷ đồng) từ ngân hàng. Theo cam kết, khoản nợ sẽ được thanh toán đầy đủ trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, đến thời điểm đáo hạn, khoản vay vẫn chưa được trả, dù ngân hàng đã nhiều lần gửi thông báo yêu cầu.
Không thể thu hồi nợ, ngân hàng quyết định khởi kiện gia đình ông Ngô ra tòa. Ban đầu, vụ việc được xem như một tranh chấp dân sự thông thường, nhưng khi tòa án bắt đầu tiến hành các thủ tục, một loạt diễn biến bất ngờ đã xảy ra.
Theo lời thẩm phán Lục, người phụ trách vụ án, tòa đã nhiều lần gửi thông báo và tài liệu đến địa chỉ của bị đơn nhưng đều bị trả lại. Đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm công tác của ông. Vì thế ông quyết định đích thân đến nơi cư trú của bà Lý – vợ cũ của ông Ngô.
Khi nhận được hợp đồng vay từ tay thẩm phán, bà Lý sững sờ. Trên hợp đồng ghi rõ tên bà cùng ông Ngô đã vay tiền từ năm 2012. Tuy nhiên, bà Lý khẳng định: “Tôi chưa bao giờ ký vào văn bản này. Hơn nữa, tôi và ông Ngô đã ly hôn từ năm 2008. Làm sao tôi có thể vay tiền chung với ông ấy vào năm 2012?”

Câu trả lời của bà Lý khiến thẩm phán nghi ngờ. Đáng chú ý, bà cũng phát hiện trên hợp đồng có thông tin chứng minh thư và chữ ký giống của mình, dù bản thân chưa từng ký kết.
“Chữ ký lạ” và nghi vấn bị giả mạo
Từ đây, nghi ngờ bị giả mạo giấy tờ, bà Lý đã đề nghị tòa án giám định hợp đồng vay. Bà thuê luật sư Du để hỗ trợ. Qua kiểm tra, luật sư Du phát hiện nhiều điểm bất thường: số điện thoại trên hợp đồng không khớp với của bà Lý và chữ ký trông giống nhưng không hoàn toàn trùng khớp. Bà Lý nhớ rằng mình từng làm mất chứng minh thư trước tháng 11 năm 2012 – thời điểm hợp đồng được lập.
Luật sư Du nghi ngờ ông Ngô đã sử dụng giấy tờ tùy thân bị mất để giả mạo danh tính bà Lý khi ký hợp đồng. Nhưng có một trở ngại lớn: chữ ký trên hợp đồng lại rất giống với chữ ký thật của bà Lý.
Tháng 2/2015, mẫu chữ ký của bà Lý được gửi đi giám định. Kết quả gây sốc: chữ ký được xác định là của chính bà. Không chấp nhận kết luận này, bà tiếp tục cung cấp mẫu chữ ký từ các tài liệu có thời gian tương ứng với năm 2012 – cụ thể là văn bản lưu trữ tại đơn vị công tác cũ của bà. Cuối cùng, vào tháng 4 năm 2015, kết quả giám định lại cho thấy chữ ký trên hợp đồng không phải của bà.
Sự thật được hé lộ
Tưởng như sự việc đã kết thúc tại đây. Song cùng thời điểm đó bà Lý nhận được 1 cuộc gọi từ ngân hàng khác. Nhà băng thứ hai này yêu cầu bà trả nợ cho một thẻ tín dụng đứng tên mình. Quá bất ngờ, bà đã trực tiếp đến ngân hàng kiểm tra. Tại đây, hình ảnh đính kèm trong hồ sơ mở thẻ cho thấy một phụ nữ có ngoại hình giống bà, nhưng không phải là bà.
Ngân hàng và bà Lý lập tức trình báo sự việc với cơ quan cảnh sát. Qua điều tra, cảnh sát xác định người đứng tên mở thẻ tín dụng là một phụ nữ tên Dương – người được ông Ngô ủy quyền. Đáng nói, cô Dương có vẻ ngoài và chữ viết rất giống bà Lý.
Từ đây, cảnh sát đã triệu tập ông Ngô và cô Dương đến trụ sở để làm việc. Với những bằng chứng không thể chối cãi, 2 người khai nhận đã cấu kết để sử dụng sử dụng giấy tờ của bà Lý nhằm mở thẻ tín dụng trái phép và vay nợ.
Sau khi sự việc đã rõ ràng trắng đen, 2 đối tượng vi phạm bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Trung Quốc. Cuối cùng, sự trong sạch của bà Lý cũng được chứng minh.
(Theo Sohu)
Hoặc