Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Hoàng Đan, vị tướng trận mạc từng đi qua những chiến dịch khốc liệt nhất, luôn đau đáu nỗi niềm của một người lính ngay cả khi đất nước đã hòa bình.
- Sau ngày thống nhất đất nước, ông có được nghe cha mình kể về cảm xúc khi chứng kiến thời khắc giải phóng Sài Gòn?
Ba tôi, Thiếu tướng Hoàng Đan, một trong những chỉ huy Quân đoàn 2 - đơn vị giải phóng thành phố Huế, Đà Nẵng và Sài Gòn trong mùa Xuân 1975 lịch sử.
Nhắc đến ngày 30/4, ông gọi đó là "ngày hòa bình", "ngày thống nhất đất nước".
Điều thứ 2, ông thường nhắc đến cách đánh táo bạo thời điểm ấy, dùng xe tăng, xe thiết giáp làm nòng cốt, thọc sâu, nhanh chóng đánh thắng sở chỉ huy địch, đánh chiếm các cơ quan đầu não để đánh bại ý chí chiến đấu của kẻ thù. Làm sao để chúng ta tổn thất ít nhất về quân số, về cơ sở vật chất tại các thành phố, làng mạc, thậm chí là đánh làm sao để đỡ đổ máu của cả những người lính phía bên kia chiến tuyến.
Vì vậy, khi Quân đoàn 2 cắm cờ trên Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, một trong những việc đầu tiên của những người chỉ huy là đưa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh đọc lời đầu hàng, để quân địch nhanh chóng buông vũ khí, đảm bảo tổn thất ít nhất cho cả hai bên, không ảnh hưởng tới sinh mạng của đồng bào, không gây đổ nát, thiệt hại cho những đô thị.

Thiếu tướng Hoàng Đan (hàng đầu tiên, thứ hai từ trái qua) tại Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: Trích từ sách ''Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập")
- Ông có biết câu chuyện Tướng Hoàng Đan mời cựu lãnh đạo chính quyền Sài Gòn ăn cơm cùng chiến sĩ ta vào chiều 30/4/1975 trong Dinh Độc Lập?
Ba tôi có kể về việc này: Vào đầu giờ chiều 30/4/1975, ông Vũ Văn Mẫu - Thủ tướng của chế độ Việt Nam Cộng hòa - xin phép được gặp đại diện Mặt trận Giải phóng, với ý định bàn giao để về nhà sớm, vì họ cũng rất lo cho gia đình.
Ba tôi nói: "Chúng tôi là quân nhân, vì vậy các anh cứ ở đây, ngay trong gian phòng này, ngồi chơi thoải mái. Ngày mai sẽ có đại diện Mặt trận đến. Hôm nay mời các anh ăn thử bữa cơm Việt cộng cho vui". Nghe những lời ấy, họ vui vẻ, thoải mái hơn.
Đến cuối giờ chiều 30/4/1975, đại diện Quân đoàn 4 tới, nói rằng Quân đoàn 4 được Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ chiếm Dinh Độc Lập nhưng vào chậm, nay xin cho bàn giao lại. Quân đoàn 2 của ba tôi bàn giao ngay.
- Ông từng nghe cha mình chia sẻ về tinh thần của những ngày thực hiện Chiến dịch Hồ Chí Minh?

Ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng Trường, trường Đại học FPT, là con trai thứ 3 của Thiếu tướng Hoàng Đan.
Bộ Tổng Tư lệnh khi xây dựng cách đánh cho Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng với tinh thần như vậy. Năm cánh quân tổ chức năm lực lượng thọc sâu, nhanh chóng đánh chiếm đầu não của kẻ thù là Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, và những căn cứ quan trọng nhất của địch tại Sài Gòn.
Đó là cách nhanh nhất, đánh bại ý chí chiến đấu của địch, để họ nhanh chóng buông vũ khí đầu hàng, những trận chiến ác liệt không xảy ra, bộ đội ta ít đổ máu nhất. Và, quan trọng hơn cả, là để người dân và Sài Gòn tổn thất thấp nhất.
Vì vậy, vào sáng 30/4/1975, cánh quân thọc sâu của Quân đoàn 2 vượt cầu Sài Gòn tiến vào nội đô không áp dụng cách đánh thông thường. Quân ta tiến rất nhanh, nhưng hầu như không nổ súng, không bắn một phát đại bác nào. Cách đánh này trái ngược hoàn toàn với quy luật là trong trường hợp quân địch đang phòng ngự thì phải dùng pháo binh bắn dồn dập về phía trước, sau đó sử dụng xe tăng tấn công.
- Người cha của ông trở về đời thường như thế nào?
Với tôi, ba là người rất nghiêm khắc, thậm chí còn xa cách nữa. Tôi không thể nhớ là ba đã bế, âu yếm, xoa đầu tôi một lần nào chưa. Ba tôi thương con một cách rất khác biệt.
Năm 1973, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập quân đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam - Quân đoàn 1, Bộ Tư lệnh đóng tại Ninh Bình. Ba tôi được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh, tham mưu trưởng Quân đoàn 1. Sau rất nhiều năm xa gia đình, ba đưa tôi đến sống cùng. Lúc đó tôi mới 4 tuổi, và ấn tượng của một cậu bé ở Hà Nội được về quê rất thích. Tôi chạy đi chơi khắp nơi, khám phá vườn, ao rất rộng, có nhiều chó, gà, trâu, bò...
Lớn lên chút nữa, cứ mỗi dịp hè, ba tôi lại đưa tôi vào sống trong các đơn vị quân đội. Có năm ở với Tiểu đoàn Quân y, có năm ở Đại đội Vệ binh, có năm ở Đại đội Lái xe… Trong ký ức của tôi, vất vả nhất là ở Đại đội Vệ binh, vui nhất và sướng nhất là ở Đại đội Lái xe. Bộ đội làm gì tôi làm thế, bộ đội tập luyện gì tôi tập luyện thế, ngay từ rất nhỏ.
Ba tôi không bao giờ nói kiểu dạy dỗ: "Con phải thế này, con phải thế kia", mà làm gương bằng cách đọc sách mỗi ngày. Vì vậy, tôi đọc sách từ khi còn rất nhỏ. 6-7 tuổi, tôi đã đọc tất cả những gì có chữ xung quanh. Thậm chí, tôi đọc cuốn “Chiến tranh và hòa bình” từ năm 8 tuổi.
Về lao động, ba tôi nổi tiếng trong quân đội là đi đến đâu cũng yêu cầu bộ đội đào ao nuôi cá, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà để cải thiện bữa ăn, bởi thời điểm đó, kể cả chỉ huy cao cấp trong quân đội bữa ăn cũng rất kham khổ. Ông luôn trực tiếp cùng bộ đội tăng gia sản xuất vào cuối giờ làm việc hàng ngày.
Ba tôi không bao giờ khoe thành tích, cũng rất ít khi kể về sự khốc liệt của chiến tranh. Mỗi năm, nếu điều kiện cho phép, ông cố gắng xin nghỉ phép 1 tuần, đưa gia đình đi khắp Bắc Nam, đến những nơi ông từng tham gia chiến đấu, gặp những đồng đội cũ. Chúng tôi - những đứa con của ba - được biết rất nhiều câu chuyện, và tất cả điều đó giúp hình thành tính cách, nhân cách.
Nói thật, do thời gian ở cạnh nhau của 2 ba con rất ít, nên tôi và ông tương đối xa cách. Thế nhưng, thời điểm tôi trưởng thành, lập gia đình, có con, làm lãnh đạo doanh nghiệp, tôi hiểu ba tôi hơn rất nhiều.

Hình ảnh của Thiếu tướng Hoàng Đan với vợ.
- Ông có được cha mình truyền dạy những bài học về chiến lược?
Như trên tôi đã nói, ba tôi luôn luôn viết trong những bức thư gửi cho mẹ tôi là: "Anh đi đánh nhau để con chúng ta không phải đánh nhau nữa". Đó là tư tưởng của một người lính chỉ mong muốn hòa bình.
Có lần tôi hỏi: Vào ngày 30/4/1975, sau chiến thắng, ba nghĩ gì? Ông nói: Ba nghĩ đến vợ con ở Hà Nội, nghĩ đến những người lính, những đồng đội đã hy sinh, trong đó có cả những người ngã xuống chỉ vài giờ trước khi chiến thắng.
Là người chỉ huy trong quân đội, ba tôi hiểu mình phải thực hiện tốt nhất nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, Bác Hồ giao cho. Nếu chỉ dũng cảm, chỉ kiên quyết chấp hành mệnh lệnh chiến đấu và chiến thắng là không đủ, mà cần phải mưu trí, thông minh, am hiểu nghệ thuật chiến tranh, am hiểu khoa học kỹ thuật, làm sao chiến thắng nhưng đổ máu, hy sinh thấp nhất. Một người lính có thể là người con, người em, người anh, và thậm chí là người cha của một gia đình. Vì thế, chúng ta không thể nói trận đánh nào đó có tổn thất nhỏ, bởi mỗi người lính ngã xuống là tổn thất không thể bù đắp đối với gia đình.
- Thiếu tướng Hoàng Đan để lại nhiều tài liệu quân sự quan trọng. Với ông, di sản lớn nhất của cha mình là gì?
Ba tôi là một chiến tướng, thế nhưng cứ ngơi tay súng là ông cầm tay phấn. Cuộc đời của ông là chiến trường và nhà trường. Ông tham gia tổng kết chiến dịch, xây dựng chiến lược, chiến thuật cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Ba tôi hay chia sẻ: Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu. Mỗi người chỉ huy, mỗi sĩ quan không chỉ cần dũng cảm mà phải biết mưu trí; không chỉ biết quân lệnh như sơn mà còn phải biết bảo vệ tính mạng, xương máu của những người lính dưới quyền của mình. Mỗi người chỉ huy, mỗi sĩ quan phải thực sự là những người trí thức, cần học sâu về triết học, khoa học công nghệ, lịch sử…
Đến bây giờ, những tài liệu mà ông đã tổng kết vẫn không hề cũ. Các thế hệ sĩ quan trẻ trong quân đội vẫn đọc sách, học những tài liệu của ông. Tôi tin những sĩ quan trẻ và cả những nhà lãnh đạo quân đội đều hiểu rằng, để có được hòa bình, chúng ta vẫn phải tập luyện nhiều nhất, sẵn sàng cao nhất.
Theo tôi nghĩ, tư tưởng quý giá nhất ông để lại cho hôm nay là: Chúng ta yêu hòa bình nhưng phải biết cầm súng, và trong hòa bình, chúng ta phải sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc.
Trong tất cả những tài liệu, hồi ký ba tôi để lại, tôi thấy rất rõ một điều, với tư cách là người chỉ huy trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, ba tôi đã vận dụng một cách sâu sắc nhất về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân. Đó là một cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, huy động tất cả sức mạnh ở mọi người chỉ huy, mọi người lính, và cả người dân nữa.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoặc