Năm 2024, cụ bà họ Chân ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng của công ty bảo hiểm. Người này cho biết, gói bảo hiểm đứng tên bà Chân đã hết hạn, nếu gia hạn bảo hiểm, tài khoản của bà sẽ bị tự động trừ tiền hàng tháng.
Tuy nhiên, nếu không muốn gia hạn, bà cần phải hợp tác tất toán hợp đồng ngay trong vòng 1 giờ để không bị trừ phí xử lý hồ sơ từ 20.000 đến 30.000 NDT (khoảng 72 - 109 triệu đồng). Trước những thông tin mang tính đe dọa, bà Chân hoang mang và nhanh chóng tin vào những gì mà đối phương nói.
Theo hướng dẫn ở đầu dây bên kia, bà đã chủ động kết bạn WeChat với “nhân viên bảo hiểm”, sau đó được yêu cầu chuyển tiếp các cuộc gọi đến một số điện thoại khác do đối tượng cung cấp. Chưa dừng lại ở đó, bà còn được chỉ dẫn cài đặt ứng dụng “Hoa hướng dương” - một phần mềm cho phép điều khiển thiết bị từ xa.
Sau khi cài đặt ứng dụng thành công, bà Chân đã vô tình trao quyền điều khiển điện thoại cho đối tượng lừa đảo trong suốt 4 giờ đồng hồ. Trong thời gian đó, kẻ xấu đã quan sát và nắm bắt toàn bộ thông tin tài khoản ngân hàng của bà, bao gồm sổ tiết kiệm có kỳ hạn, tài khoản thanh toán, cũng như các khoản đầu tư tài chính.
Bằng cách tạo dựng lòng tin và tận dụng quyền kiểm soát thiết bị, đối tượng đã hướng dẫn bà Chân gộp toàn bộ số tiền 2,27 triệu NDT (hơn 8 tỷ đồng) đang có vào một tài khoản duy nhất. Sau đó, chúng nhanh chóng thao tác trước 2 lệnh chuyển khoản với tổng giá trị lên đến 750.000 NDT (khoảng 2,7 tỷ đồng) và nói rằng đây chỉ là tiền gửi tạm để làm thủ tục tất toán, sau khi xong xuôi sẽ hoàn trả cho bà Chân.

(Ảnh minh họa)
Rất may, hành vi bất thường đã được hệ thống giám sát của Trung tâm Chống lừa đảo ở thành phố Thâm Quyến phát hiện kịp thời. Cơ quan chức năng ngay lập tức kích hoạt cơ chế “tạm ngừng thanh toán để bảo vệ tài sản”, đồng thời phát đi cảnh báo khẩn cấp. Công an quận Quang Minh nhanh chóng phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ nhiều biện pháp.
Trong khi đó, cán bộ phụ trách và nhân viên tổng đài liên tục gọi điện để cảnh báo và thuyết phục bà Chân dừng mọi thao tác. Tiếp đó, tổ kỹ thuật tiến hành phân tích dữ liệu, còn lực lượng công an địa phương nhanh chóng đến tận nhà để gặp mặt trực tiếp và khuyên giải nạn nhân. May mắn thay, 2 giao dịch chuyển khoản nói trên đã bị hệ thống ngân hàng chặn lại ngay trước khi tiền rời khỏi tài khoản, giúp bà Chân bảo toàn toàn bộ 2,27 triệu NDT (hơn 8 tỷ đồng).
Sau khi được giải thích cụ thể về phương thức lừa đảo, bà Chân đã hiểu ra và cam kết không thực hiện bất kỳ chỉ dẫn nào từ phía những người tự xưng là nhân viên bảo hiểm. Với sự hỗ trợ của cảnh sát, bà cũng đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng và khóa chức năng giao dịch trực tuyến để tránh rủi ro về sau.
Theo Trung tâm Chống lừa đảo Thâm Quyến, đây là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến trong những gần đây. Kẻ xấu thường thông qua các nguồn thông tin cá nhân bất hợp pháp để tiếp cận nạn nhân, sau đó mạo danh nhân viên các nền tảng dịch vụ như ngân hàng, công ty bảo hiểm, ví điện tử… Chúng viện cớ rằng nạn nhân đã “kích hoạt” các gói bảo hiểm hàng triệu NDT miễn phí, nay đã hết hạn và sắp bị trừ tiền nếu không xử lý kịp thời.
Cơ quan công an Trung Quốc cảnh báo mọi người tuyệt đối không tin tưởng các cuộc gọi bất ngờ tự xưng là nhân viên dịch vụ yêu cầu chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm điều khiển từ xa. Trong mọi trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, người dân nên giữ bình tĩnh, ngắt liên lạc và ngay lập tức liên hệ đường dây nóng của cơ quan chức năng hoặc tổng đài chống lừa đảo để được hỗ trợ kịp thời. Việc nâng cao cảnh giác và chủ động phòng ngừa vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ tài sản cá nhân trước những chiêu trò ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao.
(Theo Toutiao)
Hoặc