![]() |
Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Sáng 18/5, Bộ Chính trị và Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, cùng Nghị quyết số 68 về phát triển kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới.
Cần có cơ quan giám sát quá trình thực hiện nghị quyết
Tại hội nghị, ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco - đánh giá Nghị quyết 68 như “cơn mưa rào sau hạn hán” đối với khu vực kinh tế tư nhân.
“Bao năm nay, doanh nghiệp tư nhân rất bức xúc, rất khó chịu, rất muốn cống hiến nhưng không thể làm được, nhiều lúc bị bó tay bó chân. Điều đó nay được Tổng Bí thư, Bộ Chính trị giải phóng cho chúng tôi”, ông chia sẻ.
Tuy nhiên, vị doanh nhân cho rằng vấn đề then chốt nằm ở khâu thực thi. Để bảo đảm Nghị quyết 68 thực sự đi vào cuộc sống, ông kiến nghị cần có một cơ quan độc lập giám sát việc triển khai, đánh giá năng lực cạnh tranh, mức độ tuân thủ, hiệu quả thực thi của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đây cũng sẽ là kênh phản ánh trực tiếp những khó khăn, vướng mắc từ phía doanh nghiệp và người dân lên cấp cao nhất.
Ông đề xuất giao nhiệm vụ này cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhờ những đóng góp rất tốt trong vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và chính sách.
Phản hồi kiến nghị của vị doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chủ trương, đường lối đã rõ, bản thân chúng ta cũng đã cởi mở rồi. Nhưng vấn đề là tổ chức thực hiện, thì phải phân công rõ ràng”.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động triển khai Nghị quyết 68, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành.
“Trước đây mọi việc đều phải qua đấu thầu, đấu giá, nhưng bây giờ là giao việc cho doanh nghiệp. Vừa ban hành nghị quyết, chúng tôi đã bắt đầu giao việc rồi. Tinh thần là đã hứa thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, mà đã làm thì phải ra sản phẩm. Sản phẩm đó cũng phải cân đong đo đếm được, phải lượng hóa được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ việc ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế với khu vực tư nhân đã được đề cập trong Nghị quyết và yêu cầu cả doanh nghiệp lẫn các cơ quan quản lý Nhà nước phải nghiêm túc triển khai.
Thủ tướng lưu ý quá trình triển khai cần có sự linh hoạt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng cũng không nóng vội.
Đề nghị số hóa quy trình trong hệ thống pháp luật
Tiếp nối, ông Đặng Hồng Anh - Phó chủ tịch Tập đoàn TTC kiêm Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - đặt vấn đề về lộ trình số hóa quy trình trong hệ thống pháp luật của Chính phủ, qua đó giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, có thể tra cứu thuận tiện, theo dõi tiến độ xử lý các thủ tục pháp lý, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí.
Tra lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định đã giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Tư pháp chủ trì triển khai xây dựng cổng pháp lý số quốc gia.
“Trên nền tảng cổng pháp lý số, doanh nghiệp và doanh nhân sẽ tiếp cận dễ dàng hơn với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời giảm đáng kể chi phí tuân thủ”, Thủ tướng nói.
![]() |
Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đặt câu hỏi với Thủ tướng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Không chỉ là kênh tra cứu, Thủ tướng nhấn mạnh cổng pháp lý số còn là một công cụ 2 chiều, là nơi cộng đồng doanh nghiệp có thể phản ánh vướng mắc, đóng góp ý kiến để hoàn thiện chính sách và thể chế.
“Trên cơ sở đấy chúng tôi sẽ giải quyết bằng cái cổng pháp lý số này, doanh nghiệp đỡ phải đến, đỡ phải đi hỏi, đỡ phải làm việc với các cơ quan khi mà các công việc được xử lý trên cái cổng này”, Thủ tướng cho biết.
Ưu tiên nguồn lực phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ
Cũng tại hội nghị, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch Bất động sản Lan Hưng - băn khoăn về tình trạng hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các hộ sản xuất, đang không có đất để mở rộng hoặc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực tế, các khu công nghiệp hiện nay chỉ cho thuê từ 1 ha trở lên trong khi nhiều doanh nghiệp nhỏ vốn chỉ vài tỷ đồng. Với mặt bằng giá hiện nay, để thuê 1 ha đất, phải chi ra ít nhất 30 tỷ đồng.
Vị doanh nhân cho biết đã từng kiến nghị với tỉnh Bắc Ninh về việc quy hoạch các khu công nghiệp riêng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ với diện tích thuê linh hoạt 1.000-3.000 m2, có đầy đủ hạ tầng phòng cháy chữa cháy, xử lý môi trường, nhằm tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp này phát triển bài bản, chính quy hơn.
Phản hồi đề xuất trên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chính sách đã có và đang được cụ thể hóa.
Không chỉ vấn đề mặt bằng, Thủ tướng nhấn mạnh khối doanh nghiệp nhỏ và vừa còn được ưu tiên tiếp cận vốn. “Nghị quyết 139 của Chính phủ đã giao cho hệ thống ngân hàng triển khai các giải pháp phù hợp để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này. Vấn đề hiện nay là phải thể chế hoá các chủ trương đó thành quy định cụ thể, khả thi”.
Tóm lược lại, Thủ tướng nói: “Một là ưu tiên về đất đai, đã có quy định rồi, giờ phải cụ thể hoá qua nghị định. Hai là ưu tiên về vốn, cũng đã có chủ trương, giờ sẽ tiếp tục cụ thể hoá theo từng giai đoạn phù hợp với thực tiễn".
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc