Hàn Quốc sẵn sàng mở rộng, tăng cường hợp tác để Việt Nam thực hiện thành công dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Sáng 31/3/2025, tại Hà Nội diễn ra Hội đàm song phương giữa Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Trần Hồng Minh và Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) Park Sangwoo. Tham dự Hội đàm có lãnh đạo các đơn vị thuộc 2 Bộ và doanh nghiệp 2 nước hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, đô thị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Park Sangwoo cho biết: "Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc không chỉ thể hiện trong lĩnh vực chính trị, ngoại giao, mà còn phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, xây dựng, giao thông vận tải, giáo dục, du lịch, văn hóa, thể thao” - Bộ trưởng Park Sangwoo nhấn mạnh, đồng thời cho biết.
Chia sẻ về lĩnh vực phát triển đường sắt cao tốc tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Park Sangwoo cho biết, trước đây Hàn Quốc chủ yếu áp dụng công nghệ của Pháp trong phát triển đường sắt cao tốc. Song hiện nay, Hàn Quốc đã đẩy mạnh khả năng tự chủ và làm chủ công nghệ phát triển công nghiệp đường sắt, sản xuất đầu máy, toa xe đường sắt cao tốc, thậm chí còn xuất khẩu công nghệ này sang nhiều nước trên thế giới.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh và Bộ trưởng Park Sangwoo ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đường sắt giữa hai bên. Ảnh: Bộ Xây dựng
Nhấn mạnh quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực giao thông vận tải, đặc biệt là đường sắt, Bộ trưởng Park Sangwoo khẳng định Hàn Quốc luôn sẵn sàng mở rộng, tăng cường hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ sản xuất đầu máy/toa xe nhằm giúp Việt Nam thực hiện thành công Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Đáp lời, Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong của Châu Á nghiên cứu, đầu tư và khai thác đường sắt tốc độ cao và là điển hình trong việc chuyển giao, làm chủ công nghệ phát triển đường sắt tốc độ cao.
Ông Trần Hồng Minh mong muốn các cơ quan liên quan của Hàn Quốc tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam tiếp nhận, làm chủ công nghệ phát triển đường sắt tốc độ cao và phát triển ngành công nghiệp đường sắt, tổ chức vận hành khai thác vận tải hàng hóa trên đường sắt tốc độ cao.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh đánh giá Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiên phong của Châu Á nghiên cứu, đầu tư và khai thác đường sắt tốc độ cao. Trong ảnh là tàu tốc độ cao KTX của Hàn Quốc. Nguồn: Korean Train
Bên cạnh đó, tăng cường viện trợ các dự án ODA, hỗ trợ kỹ thuật về phát triển đô thị thông minh và phát triển nhà ở xã hội; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách pháp luật, lựa chọn, xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn cho đường sắt điện khí hóa, đường sắt tốc độ cao, giao thông thông minh, chuyển đổi năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng xanh, tiết kiệm năng lượng; tiếp tục hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực đường sắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành đường sắt Việt Nam trong thời gian tới.
Để cụ thể hóa những mong muốn hợp tác, cùng phát triển, tại Hội đàm, Bộ trưởng Trần Hồng Minh và Bộ trưởng Park Sangwoo ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực đường sắt giữa hai nước.
Thủ tướng đã chốt lịch khởi công dự án đường sắt tốc độ cao
Tối 29/3, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Tại đây, khẳng định quyết tâm phát triển ngành đường sắt, Thủ tướng nhấn mạnh: "Chúng ta quyết tâm xây dựng bằng được ngành công nghiệp đường sắt, làm chủ công nghệ, sản xuất được toa xe, đầu máy, phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt. Coi trọng thời gian, trí tuệ và quyết đoán đúng thời điểm là những yếu tố quyết định thành công. Đây cũng là một cơ hội để đất nước ta, dân tộc ta có thêm động lực, cảm hứng để vươn lên, phát triển".
Với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu khởi công vào tháng 12/2026. Bộ Tư pháp cần sớm hoàn thiện nghị định về thiết kế tổng thể và áp dụng cơ chế rút gọn để đảm bảo tiến độ.

Thủ tướng tại phiên họp đầu tiên của Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực đường sắt. Ảnh: VGP
Thủ tướng yêu cầu các địa phương sớm lập kế hoạch chi tiết, bố trí vốn ngân sách để giải phóng mặt bằng và xây dựng khu tái định cư dựa trên hồ sơ thiết kế sơ bộ đã được Quốc hội thông qua. Đồng thời, cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hiệu quả trong phát triển công nghiệp đường sắt, đảm bảo Việt Nam không chỉ nhập khẩu công nghệ mà từng bước làm chủ và sáng tạo ra công nghệ của riêng mình.
Với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 1.7 triệu tỷ đồng ( tương đương 67,34 tỷ USD), dự án đường sắt tốc độ cao là dự án giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay được phê duyệt tại Việt Nam.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tốc độ thiết kế toàn tuyến 350 km/h, với dự kiến thời gian hoàn thành dự án trong năm 2035.
Hàn Quốc cũng là cường quốc đường sắt tốc độ cao ở châu Á
Là một trong những quốc gia sở hữu mạng đường sắt hiện đại hàng đầu tại khu vực Châu Á, Hàn Quốc hiện có 4.129 km đường sắt, trong đó có 2.606 km đường đôi và 2.963 km đường điện khí hóa. Chính phủ nước này đã thông qua Kế hoạch đường sắt 10 năm trị giá 100 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2031.
Hàn Quốc cũng là một trong những quốc gia đi đầu tại châu Á về phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao. Hàn Quốc là một điển hình trong việc nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài và nội địa hóa ngành công nghiệp phục vụ hệ thống đường sắt tốc độ cao.
Chính phủ Hàn Quốc hiện đang vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX) - thu về lợi nhuận rất cao dù giá vé rẻ.
Hàn Quốc bắt đầu sử dụng và tiếp thu công nghệ đường sắt cao tốc của Pháp từ năm 2004. Sau 12 năm, Hàn Quốc đã làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao, tự vận hành hệ thống đường sắt tốc độ cao - Korea Train Express (KTX), kết nối Thủ đô Seoul với các thành phố phía Nam như Busan và Gwangju.
Tàu chạy tốc độ lên tới 300km/h, phục vụ 176 nghìn hành khách/ngày và thu về lợi nhuận 700 tỷ won (580 triệu USD) trên doanh số 2 nghìn tỷ won vào năm 2015.
Hoặc