Đảm bảo minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch

28/06/2024 15:51

Các ĐBQH đều cho rằng việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ.

Đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch

Sáng 28/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.

Phát biểu tại Nghị trường, ĐBQH Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) bày tỏ thống nhất với dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.

Về vấn đề cụ thể, đại biểu cho biết, khoản 2 Điều 10 quy định về nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn bao gồm có ba nguồn là nguồn kinh phí chi đầu tư công từ ngân sách Nhà nước, kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và kinh phí do tổ chức, cá nhân tài trợ cho công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đối thoại - Đảm bảo minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch

ĐBQH Triệu Thị Huyền phát biểu ý kiến.

Trong khi đó, tại điểm d khoản 4 của Điều này lại quy định, kinh phí của tổ chức đã được lựa chọn làm chủ đầu tư được sử dụng để lập quy hoạch đối với khu vực giao đầu tư. Như vậy, nguồn kinh phí này không nằm trong ba nguồn kinh phí đã được quy định tại khoản 2.

Do đó, nữ đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm quy định tại khoản 2 về kinh phí của nhà đầu tư để tổ chức lập quy hoạch trong phạm vi đã được giao làm chủ đầu tư dự án.

Liên quan tới đối tượng, nội dung, hình thức và thời gian lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Điều 37, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh theo hướng nếu đã lấy ý kiến ở mức thẩm định nhiệm vụ, thẩm định quy hoạch thì sẽ không lấy ý kiến ở mức tổ chức lập quy hoạch để nhằm giảm bớt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ trong công tác lập quy hoạch. Đồng thời, lược bỏ quy định về lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch chi tiết đô thị và nông thôn.

Về Hội đồng thẩm định, bà Huyền kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định lại theo hướng người đứng đầu cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn cấp tỉnh, cấp huyện được ủy quyền là Chủ tịch Hội đồng thẩm định cung cấp để đảm bảo tính khách quan, công tâm, minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tránh chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch

Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hai phạm trù khác nhau nhưng lại có sự đan xen vào nhau. Do đó, việc xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn là hết sức cần thiết để có một hệ thống quy hoạch đồng bộ, đảm bảo tính tích hợp, tính bao quát, tránh chồng chéo các quy hoạch với nhau, kết hợp hài hoà giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn.

Theo ông Cường, việc xây dựng Luật này cũng là cơ hội để nhìn lại một cách tổng thể các quy hoạch có liên quan đến đô thị và nông thôn để có một hệ thống quy hoạch logic, mang tính tầng bậc; vừa là tiền đề, làm căn cứ để thực hiện các quy hoạch cấp dưới, đồng thời cũng cụ thể hóa được các quy hoạch cấp trên.

Đối thoại - Đảm bảo minh bạch trong thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch (Hình 2).

ĐBQH Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Ông Cường chỉ ra, các quy hoạch đô thị và nông thôn tuy đã có sàng lọc song vẫn còn chồng chéo trong nội bộ hệ thống quy hoạch được điều chỉnh tại dự án Luật này cũng như các quy hoạch điều chỉnh tại Luật Quy hoạch.

Đại biểu nêu dẫn chứng, theo dự thảo Luật này trên địa bàn tỉnh sẽ có quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, quy hoạch chung thị xã, quy hoạch chung huyện với cùng tỉ lệ phủ kín toàn bộ không gian của một tỉnh.

"Nhưng sau đó lại có quy hoạch chung khu chức năng, phải chăng quy hoạch này sẽ trùng với các quy hoạch trên?", ông Cường băn khoăn.

Hoặc là đã có quy hoạch phân khu đô thị nhưng lại có quy hoạch thị trấn với cùng tỉ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch chung của xã cũng cùng tỉ lệ; quy hoạch chung của huyện và quy hoạch vùng huyện sẽ được phân định như thế nào để tránh chồng chéo?… Hiện tại, đang xảy ra trường hợp quy hoạch chung nhiều khi nhắc lại quy hoạch tỉnh. Do đó, ông Cường đề nghị dự Luật phải rà soát và làm rõ vấn đề này.

Nêu ý kiến, ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) cho rằng, về giải thích từ ngữ, đề nghị bổ sung giải thích từ ngữ “đơn vị ở”, “quy hoạch tổng mặt bằng” nhằm tạo sự rõ ràng trong quá trình triển khai Luật.

Tại Điều 15 về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn, bà Xuân kiến nghị bổ sung nội dung lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn để phù hợp với pháp luật hiện hành.

Tại Điều 46, các loại điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn và nguyên tắc điều chỉnh, bà Xuân kiến nghị bổ sung nội dung đối với nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, tái định cư tại chỗ được ưu đãi về mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đáp ứng nhu cầu của người dân.