Bộ Công Thương đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng. Ảnh: Việt Linh. |
Bộ Công Thương đang tổ chức lấy ý kiến Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, thời gian điều chỉnh, căn cứ lập và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân xuống còn 2 tháng kể từ lần thay đổi gần nhất. Điều này đồng nghĩa mỗi năm có thể có tối đa 6 đợt thay đổi giá thay vì 4 đợt như hiện nay.
Bộ Công Thương cho rằng cần sửa đổi nguyên tắc về mức, thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân để phù hợp với Luật Điện lực (sửa đổi) được Quốc hội thông qua cuối tháng 11.
Trước đó, tại Quyết định 05 thay thế Quyết định 24 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được Thủ tướng ban hành hồi tháng 3, thời gian điều chỉnh giá điện đã được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Theo Bộ Công Thương, dự thảo mới xây dựng sẽ sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến công bố, công khai chi phí sản xuất kinh doanh điện. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện, thuê đơn vị kiểm toán độc lập và công bố công khai chi phí, giá bán điện bình quân thay vì Bộ Công Thương trực tiếp công bố nội dung này.
Các chi phí công bố công khai gồm thực tế thực hiện các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, điều hành - quản lý ngành) và các khoản chi phí khác. Ngoài ra, còn có giá bán lẻ điện bình quân, kết quả kinh doanh lỗ, lãi và các chi phí chưa được tính vào giá điện...
Dự thảo mới cũng sửa đổi nguyên tắc về mức điều chỉnh giá bán điện bình quân nhằm phản ánh kịp thời biến động thực tế của thông số đầu vào, bù đắp chi phí hợp lý, hợp lệ để bảo toàn, phát triển vốn và tránh giật cục trong quá trình điều chỉnh giá điện, có thể điều chỉnh nhiều lần trong năm.
Theo đó, khi chi phí sản xuất điện tăng từ 2% trở lên thì giá bán điện được phép điều chỉnh tăng tương ứng. Mức điều chỉnh này thấp hơn so với quy định hiện hành cho phép thay đổi giá điện khi chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên.
Dự thảo cũng cho phép EVN được quyền điều chỉnh giá điện khi giá bán lẻ điện bình quân tăng dưới 5%. Như vậy, biên độ tăng giá EVN được điều chỉnh sẽ là 2-5% thay vì 3-5% như hiện nay.
Trong khi đó, thẩm quyền điều chỉnh giá của Bộ Công Thương vẫn giữ như quy định hiện hành là khi cần điều chỉnh giá điện tăng 5-10%.
Trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng trên 10% hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì kiểm tra, rà soát và gửi lấy ý kiến Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc