Ngày 2/4 (giờ Mỹ, tức sáng 3/4 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố một khuôn khổ thuế quan mới toàn diện trong tuyên bố mà Nhà Trắng gọi là “Ngày giải phóng” của nước Mỹ. Kế hoạch này thiết lập mức thuế nhập khẩu cơ bản ban đầu là 10% đối với hầu hết các quốc gia từ ngày 5/4, sau đó các mức thuế đối ứng bổ sung theo từng quốc gia sẽ có hiệu lực từ ngày 9/4. Đối với Việt Nam, các mức thuế này có khả năng lên tới 46% theo thông báo của chính quyền Mỹ.
Đa dạng hóa thị trường
Theo TS. Scott McDonald - Giảng viên ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Trường Đại học RMIT Việt Nam, đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, mức thuế quan mới đặt ra thách thức rõ ràng.
“Các mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sớm phải đối mặt với bất lợi do giá cao hơn 46% so với hàng hóa nội địa của Mỹ hoặc các sản phẩm từ các quốc gia chịu thuế quan thấp hơn. Các ngành công nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất gồm điện tử, dệt may, đồ nội thất, giày dép và thủy hải sản - những ngành đóng vai trò trung tâm trong thành công xuất khẩu của Việt Nam”, ông Scott McDonald nói.

Thương mại toàn cầu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các mức thuế quan mới được công bố. Ảnh: Pexels.
Theo phân tích của Evercore ISI, sắc lệnh mới khi được triển khai hoàn toàn có thể khiến mức thuế trung bình có trọng số của Mỹ tăng lên 29% - mức cao nhất trong hơn 100 năm. Điều này tạo ra một tình huống chưa từng có đối với doanh nghiệp Việt Nam đã và đang xây dựng chiến lược tăng trưởng dựa trên khả năng tiếp cận thị trường Mỹ. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này.
“Họ có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ. Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng”, ông Scott McDonald đề nghị
Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có, gồm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cung cấp quyền được ưu tiên tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cung cấp các khoản giảm và miễn thuế quan cho nhiều sản phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với các nước láng giềng ASEAN và các thị trường châu Á khác. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) duy trì quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Anh.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đánh giá liệu sản phẩm của họ có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng linh kiện để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ hay không.
Tuy nhiên, ông Scott McDonald cũng cho rằng, việc chính quyền Mỹ tập trung vào “các rào cản phi thuế quan” được đề cập trong thông báo cho thấy, các cuộc đàm phán thương mại có thể tiếp tục. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nói với các quốc gia phải đối mặt với thuế rằng họ “hãy chấm dứt thuế, dỡ bỏ rào cản”. Điều này chỉ ra những hướng đi tiềm năng để điều chỉnh cách ứng phó trong tương lai.

Doanh nghiệp Việt có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này. Ảnh: Như Ý.
Với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent kêu gọi không trả đũa và nhấn mạnh tiềm năng đàm phán, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước quyết định phức tạp về cách lập kế hoạch tài chính. Các tác động tài chính ngắn hạn phải được cân bằng với định vị chiến lược dài hạn, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc quản lý dòng tiền trong giai đoạn điều chỉnh chính sách thương mại hiện nay.
“Những doanh nghiệp biết xây dựng các chiến lược cân bằng, kết hợp đa dạng hóa thị trường, linh hoạt sản xuất và quản lý tài chính cẩn thận sẽ có khả năng điều hướng giai đoạn này thành công hơn so với những doanh nghiệp chỉ tập trung duy trì các cách tiếp cận thị trường Mỹ hiện tại, bất kể chi phí thuế quan mới”, ông Scott McDonald nói.
Cơ hội để nhìn lại
Trao đổi với PV Tiền Phong , TS. Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TPHCM - cho rằng, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng 46% đối với 90% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam là một động thái đáng chú ý, phản ánh sự thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ đối với Việt Nam.
Mức thuế này thuộc hàng cao nhất trong số các quốc gia xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chỉ đứng sau một số ít quốc gia khác như Campuchia, Sri Lanka. Tác động đầu tiên đến kinh tế Việt Nam là xuất khẩu bị ảnh hưởng, bởi Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.
“Việc áp thuế cao sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu và các doanh nghiệp xuất khẩu”, ông Lý nói.
Tác động thứ hai là nguy cơ mất thị phần. Cụ thể, với mức thuế cao, hàng hóa Việt Nam có thể bị thay thế bởi sản phẩm từ các quốc gia không chịu mức thuế tương tự, dẫn đến mất thị phần tại Mỹ.

Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam đặt ra thách thức lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam xem xét lại chiến lược thương mại. Ảnh: CK.
Một tác động khác chuỗi cung ứng, khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã đầu tư vào Việt Nam để sản xuất hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ. Mức thuế cao có thể khiến họ xem xét lại chiến lược đầu tư và sản xuất, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Do đó, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường đối thoại với Mỹ để tìm kiếm giải pháp giảm thiểu tác động của mức thuế này, có thể thông qua việc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc cam kết mua thêm hàng hóa từ Mỹ để cân bằng thương mại.
Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ bằng cách mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khác như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.
Điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nâng cao giá trị sản phẩm, tập trung vào việc cải thiện chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, ngay cả khi phải chịu mức thuế cao.
“Việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hóa Việt Nam đặt ra thách thức lớn, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam xem xét lại chiến lược thương mại , nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc vượt qua khó khăn này”, ông Lý nói.
Hoặc