
Liệu các doanh nghiệp nên làm gì trước bối cảnh này? ThS. Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Franchise VN, chuyên gia tư vấn doanh nghiệp đã có chia sẻ về chủ đề này dành cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước hết, theo quan điểm cá nhân của ông Trung, việc công bố mức thuế suất này là phương thức của Hoa Kỳ, cụ thể là Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, để tiến tới thương lượng các điều khoản về kinh tế. Tất nhiên, sẽ có những quốc gia sẵn sàng ngồi xuống thương lượng và cũng có những quốc gia sẽ có những phản ứng ngược lại bằng các chính sách khác nhau. Do đó, rất có thể Chính Phủ Việt Nam sẽ có những bước đàm phán để có những phương án hợp tác hài hòa hơn giữa hai quốc gia và con số về thuế suất cuối cùng có thể sẽ thay đổi.
Trong danh mục các ngành nghề sẽ chịu ảnh hưởng lớn, có thể thấy khá rõ chân dung các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp lớn có mảng xuất khẩu đi thị trường Mỹ. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, các ngành có giá trị xuất khẩu sang Mỹ trên 3 tỷ USD bao gồm:
Dệt may : Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 tỷ USD.
Giày dép : Kim ngạch xuất khẩu đạt 6,5 tỷ USD.
Gỗ và sản phẩm gỗ : Xuất khẩu đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ.
Điện tử và linh kiện : Kim ngạch xuất khẩu đạt 12 tỷ USD.
Tuy nhiên, để bàn về các tác động của chính sách thuế quan này lên các công ty FDI hoặc các tập đoàn có yếu tố đặc thù sẽ, theo chuyên gia này, là không dễ dàng do chúng ta không nắm bắt được khả năng ứng phó và các kịch bản chiến lược của các tập đoàn này. Vì theo nguyên tắc, nguồn lực khác nhau sẽ có những phương án khác nhau.
Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là nhóm đang chiếm hơn 95% số lượng - doanh nghiệp vừa và nhỏ - cần có hành động để ứng biến với tác động có thể xảy ra.
Hãy tập trung vào doanh nghiệp của mình thay vì suy nghĩ về vĩ mô
“Với góc độ của chuyên gia tư vấn, chúng tôi luôn cần làm một việc đó là “điều chỉnh góc nhìn của doanh nghiệp”. Thay vì tập trung, dự đoán các khả năng xảy ra hoặc cố dự đoán các kịch bản vĩ mô, doanh nghiệp nên tập trung vào nội tại của mình và đưa ra các kế hoạch đối phó với tất cả kịch bản có thể xảy ra. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là giải quyết các vấn đề và trở ngại tốt hơn các đối thủ khác để có thể thành công ” – Chủ tịch Franchise VN nhấn mạnh.
Đầu tiên, doanh nghiệp cần xác định các ảnh hưởng trực tiếp. Những ảnh hưởng có thể xem là trực tiếp đó là bị:
Sau khi bị áp thuế, doanh nghiệp gặp khó khăn để bán hàng qua Hoa Kỳ (rất rõ ràng, và việc này gọi là bị mất lợi thế về giá), Hoặc giảm doanh thu do khách hàng không phát sinh đơn hàng đến Mỹ. Ví dụ: bán bao bì cho các doanh nghiệp xuất khẩu đi Mỹ, các DN này không bán được hàng sẽ không đặt mua bao bì nữa. Đầu ra khó khăn dẫn tới các yếu tố rủi ro khác tăng: tăng tồn kho, giảm dòng tiền, áp lực về lãi vay…Hai mô hình kinh điển giúp cho doanh nghiệp phân tích các yếu tố này là mô hình Five forces (năm lực lượng) và mô hình PESTEL. Tiếp theo, doanh nghiệp cần lượng hóa được các ảnh hưởng trực tiếp này để thấy khả năng:
liệu còn bán được hàng không (tỷ trọng doanh thu bị ảnh hưởng)? nếu bán được thì biên lợi nhuận bị ảnh hưởng như thế nào?Như vậy, có những doanh nghiệp không bị ảnh hưởng trực tiếp nhiều vì chính sách này vì có thể lĩnh vực hoặc khách hàng của doanh nghiệp không liên quan đến thị trường Mỹ, hoặc mặt hàng của bán có biên lợi nhuận rất cao nên ngay cả việc đánh thuế cũng chỉ ảnh hưởng nhỏ.
Lưu ý: chính sách thuế de minimis (miễn thuế nhập khẩu áp dụng cho hàng có giá trị dưới 800$) vẫn được áp dụng với Việt Nam. Nghĩa là nếu hàng hóa xuất qua Mỹ có giá trị nhỏ dưới 800$ sẽ không bị thuế nhập khẩu.
Thứ hai, doanh nghiệp cần xác định các ảnh hưởng gián tiếp: ảnh hưởng gián tiếp là những yếu tố bị thay đổi sau khi Chính Phủ Hoa Kỳ áp thuế như lãi suất, tỷ giá, tăng các chi phí đầu vào…
Nếu tỷ giá thay đổi (theo khả năng là giá USD tăng so với VND): ảnh hưởng đến doanh nghiệp như thế nào và cách doanh nghiệp đối phó? Nếu lãi suất tăng, doanh nghiệp có thể có những phương án nào để thay thế nguồn vốn vay từ ngân hàng? Tương tự, mỗi doanh nghiệp cần đánh giá tác động của các yếu tổ này một cách nghiêm túc.Thứ ba, doanh nghiệp cần xây dựng Kịch bản và thực thi.
Trong thời gian tới, vẫn có thể có nhiều biến động vì Chính phủ các nước bị áp thuế sẽ cố gắng đàm phán. Tuy nhiên, trong kinh doanh, doanh nghiệp cần có tư duy: Hope for the best but prepare for the worst (hy vọng vào điều tốt đẹp nhưng luôn sẵn sàng đối phó với kịch bản xấu nhất).
Đây là một giai đoạn mà các SME nên quay lại các nền tảng ban đầu (back to basics).
Tư duy chấp nhận sự thay đổi: Đối phó sự thay đổi cần có tư duy đúng và phương pháp đúng. Ngay tại lúc này, doanh nghiệp hãy đặt tính khẩn cấp của việc phải thay đổi lên hàng đầu. Không chỉ các vấn đề liên quan đến thuế mà trong bối cảnh chung về kinh tế và xã hội cũng đang thay đổi nhanh đặc biệt là sự xuất hiện của AI trong vận hành giúp giảm thiểu chi phí.
Tinh gọn: Trong tất cả các đợt khủng hoảng kinh tế hoặc các biến động kinh doanh lớn. Một tổ chức tinh gọn (lean organization) luôn có thể thay đổi và chuyển mình nhanh nhất để tập trong vào những phần tạo ra giá trị và khách hàng sẵn sàng trả tiền. Do đó, quan điểm của tác giả, những giai đoạn như thế này là cơ hội của các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có tư duy vận hành tinh gọn: ít nhân sự thừa, ít lãng phí.
Mở rộng thị trường: các bài học của việc tập trung vào một thị trường hoặc một vài khách hàng vẫn còn nguyên giá trị. Do đó, doanh nghiệp không nên ngủ quên khi đang thành công với 1 thị trường. Nếu doanh nghiệp đã bán thành công vào Hoa Kỳ, thì có nghĩa là sản phẩm của doanh nghiệp cũng đã đạt các yêu cầu nhất định. Hãy tận dụng điều này để tìm kiếm thị trường mới và điều chỉnh sản phẩm phù hợp với khách hàng mới.
Một phương pháp lựa chọn chiến lược và theo dõi thực thi: một trong những điểm yếu mà theo khảo sát của FranchiseVN là hơn 85% doanh nghiệp chưa áp dụng một phương pháp chung để cùng xây dựng, lựa chọn và thực thi (ví dụ: xây dựng chiến lược đa dạng hóa thị trường và thực thi nó bằng một một phương pháp). Điều này dẫn tới những việc khó khăn trong tập hợp nguồn lực, đồng nhất trong triển khai.
Như vậy, trong bối cảnh hiện nay, sau khi thông tin áp thuế của Chính Phủ Hoa Kỳ đã công bố, việc diễn biến tiếp theo cũng rất khó dự đoán. Do đó, việc các doanh nghiệp, đặc biệt là SME cần làm: tự rà soát lại mức độ ảnh hưởng khẩn cấp xây dựng các kịch bản đối phó.
Lời cuối, ông Trung chia sẻ, trong quá trình làm việc và khảo sát, hơn 70% doanh nghiệp vẫn trả lời rằng họ đang nghiên cứu để dự đoán các chính sách sắp tới của Chính phủ Hoa Kỳ. Theo ông, đây là điều không cần thiết và cũng không dễ dàng. Về quản trị doanh nghiệp, khi không thể dự đoán, việc doanh nghiệp cần làm là chuẩn bị rất nhiều kịch bản và thay đổi tư duy nhanh chóng để thích nghi sự thay đổi.
“Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế lớn, tiềm năng và có rất nhiều lợi thế về kinh tế, xã hội văn hóa và ổn định chính trị. Các doanh nghiệp hãy tận dụng những lợi thế này để tìm ra những hướng phát triển mới và nếu được, hãy tìm những sự hỗ trợ và tư vấn của các tổ chức tư vấn” – ông Nguyễn Thế Trung kết luận.
Hoặc