Đô thị sông nước: Bước đi chiến lược

Admin

02/05/2025 12:11

Nhận thấy giá trị tiềm năng từ hệ thống sông nước, TPHCM đang từng bước triển khai chiến lược phát triển đô thị theo hướng “quay mặt ra sông”, tận dụng lợi thế tự nhiên để tái thiết không gian sống.

Đô thị sông nước: Bước đi chiến lược- Ảnh 1.

Hành lang ven sông Sài Gòn còn nhiều tiềm năng khai thác. Ảnh: Hữu Huy

Hồi sinh kênh rạch

TPHCM đang đẩy mạnh các dự án cải tạo hệ thống kênh rạch, nổi bật là hai cuộc “đại phẫu” kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Từng là nỗi ám ảnh về ô nhiễm, những dòng kênh hồi sinh ngoạn mục sau khi thành phố đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng nạo vét, xây bờ kè, cải tạo hệ thống thoát nước, tạo cảnh quan hai bên bờ.

Dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dài 8,9 km qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận) góp phần làm sạch môi trường sống cho hàng triệu người dân. Tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa hai bên bờ kênh không chỉ trở thành điểm nhấn giao thông, mà còn mở ra không gian phát triển đô thị.

Dự án cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và phát triển hạ tầng kỹ thuật hơn 20 km góp phần thay đổi cảnh quan, tạo diện mạo hiện đại cho tuyến đường Võ Văn Kiệt - đại lộ Đông Tây.

Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (nguyên lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đại lộ Đông Tây và Môi trường nước) cho biết, tại thời điểm đó, thành phố triển khai hai dự án lớn là Đại lộ Đông Tây và cải tạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Khối lượng công việc vô cùng đồ sộ, đặc biệt là công tác di dời, giải phóng mặt bằng với hơn 10.000 hộ dân bị ảnh hưởng.

“Nhờ sự quyết liệt của thành phố, diện mạo kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đã đổi thay, hạ tầng sạch đẹp hai bên bờ. Những khu nhà ổ chuột xập xệ nhường chỗ cho chung cư cao tầng hiện đại ven đại lộ, kiến tạo diện mạo đô thị văn minh, khang trang hơn”, ông Phúc kể.

Những năm qua, TPHCM tiếp tục mở rộng chiến dịch hồi sinh kênh rạch với nhiều dự án như kênh Hàng Bàng (quận 6, quận 5), kênh Hy Vọng (Tân Bình), kênh Nước Đen (Bình Tân) và kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên . Trong đó, kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên có chiều dài gần 32 km, đi qua 7 quận, huyện với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Khi đưa vào khai thác, tuyến kênh này sẽ giúp tiêu thoát nước cho khoảng 15.000 ha khu vực xung quanh, giảm ngập úng, cải thiện giao thông nhờ hai tuyến đường song hành dọc kênh, góp phần giảm áp lực lên quốc lộ 1. Bên cạnh đó, dự án còn thúc đẩy giao thông thủy, kết nối TPHCM với Long An qua sông Chợ Đệm và với Bình Dương, Đồng Nai qua sông Sài Gòn.

Ông Đậu An Phúc - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TPHCM cho biết, dự án này đã hoàn thành khoảng 50%. Dự kiến dịp 30/4 năm nay sẽ thông xe kỹ thuật một số đoạn quận 12, Gò Vấp và một phần của quận Tân Bình.

Trong các dự án được người dân chờ đợi suốt hơn 20 năm có rạch Xuyên Tâm. Dự án sẽ được khởi công chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Dự án rạch Xuyên Tâm có tổng vốn hơn 17.000 tỷ đồng, gồm cải tạo tuyến rạch chính dài hơn 6,6km (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) và 3 rạch nhánh dài hơn 2,2 km.

Đây là bước tiến lớn trong việc giải tỏa hàng nghìn căn nhà lụp xụp hai bên rạch, mở ra cơ hội phát triển hạ tầng giao thông, không gian đô thị, cải thiện chất lượng sống cho hàng vạn cư dân.

Báu vật

Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM đang sở hữu một “báu vật” chưa được khai thác đúng mức là sông Sài Gòn. Con sông này hội tụ ba giá trị lớn gồm tiềm năng giao thông thủy, cảnh quan đô thị và hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, những giá trị đó chưa được phát huy tối đa. Nếu quy hoạch bài bản, khu vực ven sông hoàn toàn có thể trở thành không gian đô thị hấp dẫn, tích hợp các chức năng du lịch, dịch vụ, nhà ở, đồng thời gia tăng giá trị bất động sản. Đặc biệt, phát triển dọc theo sông Sài Gòn không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần cải thiện chất lượng sống và tạo bản sắc đô thị độc đáo cho thành phố.

Đây không chỉ là một hướng đi đầy tiềm năng mà còn là con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng.

Đô thị sông nước: Bước đi chiến lược

Theo định hướng của TPHCM, các dự án chỉnh trang kênh rạch phải gắn liền với mô hình đô thị sông nước - tạo không gian công cộng, phát triển giao thông thủy, du lịch sinh thái và kiến tạo bản sắc văn hóa. Ngoài ra, TPHCM tập trung phát triển khu Đông dọc sông Sài Gòn, bao gồm Thủ Thiêm, Thảo Điền, Bình Quới - Thanh Đa, Rạch Chiếc, Thủ Đức. Nơi đây quy hoạch thành trung tâm tài chính - công nghệ - dịch vụ hiện đại, gắn với các không gian công cộng ven sông, bến du thuyền, công viên sinh thái.

Để thực hiện mục tiêu này, TPHCM và các địa phương đang đẩy mạnh triển khai dự án xây dựng tuyến đường ven sông Sài Gòn dài hơn 78 km với mục tiêu kết nối trung tâm thành phố đến các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh. Đây được xem là tuyến giao thông chiến lược không chỉ giúp giải tỏa áp lực hiện hữu mà còn mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ đô thị ven sông, thúc đẩy du lịch và dịch vụ hai bên sông Sài Gòn.

Theo Giám đốc Sở Giao thông công chánh TPHCM Trần Quang Lâm, tuyến đường này sẽ được thiết kế linh hoạt, uốn lượn theo dòng sông với quy mô từ 4 đến 8 làn xe, tùy theo đặc điểm đô thị và địa hình. Cấu trúc mặt đường, hệ thống bờ kè cũng sẽ được điều chỉnh để đảm bảo phù hợp và hiệu quả về mặt kỹ thuật lẫn mỹ quan. TPHCM đang phối hợp với các tỉnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Tuyến đường sẽ kết nối với các cây cầu bắc qua sông, hệ thống cảng, bến thủy nội địa, tạo thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, hiện đại.

Đô thị sông nước: Bước đi chiến lược- Ảnh 2.

Một phần dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên. Ảnh: Hữu Huy

Trước mắt, TPHCM đầu tư xây dựng đoạn ven sông Sài Gòn dài gần 2 km từ đường Tôn Đức Thắng (quận 1) đến khu Tân Cảng (quận Bình Thạnh). Đoạn đường này băng qua hai khu đô thị cao cấp Saigon Pearl và Vinhomes. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng.

Theo Sở Giao thông công chánh, UBND TPHCM đã giao đơn vị lập hồ sơ dự án. Khi hoàn thành, tuyến đường này không chỉ mở ra hướng kết nối mới từ cầu Sài Gòn vào trung tâm thành phố, mà còn góp phần tạo điều kiện cho người dân tiếp cận trực tiếp với không gian ven sông.

Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM cho rằng, sông Sài Gòn cần được xem như một trục cảnh quan chiến lược trong định hướng phát triển đô thị. Thành phố từng có định hướng quy hoạch nhằm khai thác hiệu quả giá trị của dòng sông này, nhất là thông qua việc phát triển hai bờ sông Sài Gòn thành những không gian đô thị hiện đại, sinh thái. Khi khu đô thị mới Thủ Thiêm hoàn thiện dọc sông Sài Gòn sẽ thay đổi đáng kể, mang diện mạo mới cho thành phố.

Tuy nhiên, phát triển đô thị sông nước không đơn thuần là bài toán kiến trúc - quy hoạch mà còn là câu chuyện của kinh tế. Trong đó, những khu vực có vị trí đặc biệt như bán đảo Thanh Đa là ví dụ điển hình, nơi tiềm năng rất lớn nhưng việc khai thác còn gặp nhiều vướng mắc do rào cản về cơ chế và quyền sử dụng đất. Cần có sự chọn lọc kỹ lưỡng, điều chỉnh hợp lý để tránh lãng phí tài nguyên đất đai ven sông và bảo đảm phát triển hài hòa với cảnh quan, sinh thái tự nhiên.

Tiến sĩ Cương kỳ vọng, cùng với sự phát triển của Thủ Thiêm và các khu đô thị ven sông, TPHCM sẽ từng bước chuyển mình thành một đô thị sông nước hiện đại, tận dụng được lợi thế địa hình sông ngòi vốn có để xây dựng một không gian sống đáng mơ ước, vừa đẹp về cảnh quan vừa bền vững về môi trường và hạ tầng.

Bạn đang đọc bài viết "Đô thị sông nước: Bước đi chiến lược" tại chuyên mục Tin tức.