"Đến kỳ hạn 10 năm, tôi cầm hợp đồng đến rút tiền thì được thông báo chỉ nhận lại 100 triệu. Muốn lấy đủ 156 triệu như đã nghe tư vấn? Phải... chờ thêm 5 năm nữa. Tôi mang hợp đồng ra kiểm tra, và hoá ra mọi thứ đều được ghi rõ từ đầu" – chị L.T.A. (Hà Nội) chia sẻ câu chuyện của mình sau một thập kỷ tham gia bảo hiểm nhân thọ.
Mua bảo hiểm vì nghĩ vừa bảo vệ vừa sinh lời
Năm 2015, chị Lan Anh (Hà Nội) được cô bạn cùng công ty, đồng thời là tư vấn viên bảo hiểm, giới thiệu một gói bảo hiểm nhân thọ kỳ hạn 10 năm với mệnh giá 150 triệu đồng. "Cô ấy bảo, đóng bảo hiểm này vừa yên tâm vì sức khỏe, mạng sống được bảo vệ, vừa tích lũy được cho tương lai. Đến hạn 10 năm sẽ nhận được khoảng 156 triệu đồng", chị Lan Anh kể lại.
Lúc đó, chị không kỳ vọng lời nhiều, chỉ nghĩ đơn giản: "Bỏ ra 150 triệu đồng, sau 10 năm được trả về 156 triệu đồng là ổn, chủ yếu là để yên tâm, có sự bảo vệ cho sức khỏe và rủi ro cuộc sống".
Nghe lời tư vấn của đồng nghiệp, chị Lan Anh nhanh chóng ký hợp đồng, mà không đọc kỹ vì "đã có bạn làm trong ngành tư vấn kỹ càng rồi".
Tháng 6/2025, đúng tròn 10 năm, chị Lan Anh liên hệ công ty bảo hiểm để tất toán hợp đồng. Tuy nhiên, kết quả khiến chị "chưng hửng": chỉ có thể nhận lại 100 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với con số 156 triệu đồng như kỳ vọng, còn ít hơn tổng số tiền 150 triệu chị đã đóng bảo hiểm suốt 10 năm qua.
Mục tiêu chính của bảo hiểm
Nhân viên tại trụ sở công ty bảo hiểm giải thích: hợp đồng này là loại bảo hiểm nhân thọ có thời hạn đóng phí 10 năm, nhưng thời hạn bảo hiểm kéo dài đến năm thứ 15. Tức là, nếu khách hàng tiếp tục giữ hợp đồng đến năm thứ 15, không cần đóng thêm phí, vẫn được bảo vệ và nhận đủ số tiền cam kết là khoảng 156 triệu đồng.
Nếu chị chọn rút tiền ở năm thứ 10, khoản này chỉ là giá trị hoàn lại, không phải "số tiền đáo hạn" như nhiều người vẫn nghĩ.

Công thức tính số tiền bảo hiểm sau khi rút (giá trị hoàn lại) như sau:
Giá trị hoàn lại = (Số tiền bảo hiểm từ quyền lợi đảm bảo + Bảo tức tích lũy + Lãi chia cuối hợp đồng + Lãi tích lũy) – Các khoản nợ (nếu có)
Trong đó:
- Số tiền bảo hiểm từ quyền lợi đảm bảo: Số tiền công ty bảo hiểm sẽ chi trả khi có rủi ro xảy ra hoặc khi đáo hạn hợp đồng.
- Bảo tức tích lũy: Khoản lãi được chia của quỹ chủ hợp đồng tham gia và được công bố hàng năm.
- Lãi chia cuối hợp đồng: Khoản lãi chia không đảm bảo của quỹ chủ hợp đồng tham gia chia lãi.
- Lãi tích lũy: Khoản lãi người tham gia nhận được khi kết thúc hợp đồng trong trường hợp để lại tiền mặt tại công ty bảo hiểm.
Bảo hiểm là mua bán rủi ro, mục tiêu chính không phải sinh lời. Bảo hiểm nhân thọ không phải khoản "đầu tư lấy lãi", mà là công cụ bảo vệ tài chính khi rủi ro xảy ra: tai nạn, bệnh hiểm nghèo, mất sớm... Nếu xác định tham gia dài hạn, đọc kỹ hợp đồng, hiểu rõ quyền lợi và chi phí, người mua sẽ cảm thấy xứng đáng.
Ngược lại, nếu chỉ vì tin người quen hoặc nghe sơ sài về "lợi nhuận", không ít người sẽ vỡ mộng khi đến hạn rút tiền mà "lỗ" hàng chục triệu đồng. Bảo hiểm cũng là một loại tài sản của bạn vì thế trước khi đặt bút ký hợp đồng, ai cũng phải xem xét kỹ hợp đồng bảo hiểm chính thức, bên cạnh lời tư vấn của nhân viên bảo hiểm.
Trường hợp của chị Lan Anh không hiếm. Nhiều khách hàng bảo hiểm nhân thọ thường rơi vào những hiểu lầm sau:
-Nhầm lẫn giữa "kỳ hạn đóng phí" và "thời hạn hợp đồng": Một số sản phẩm cho phép đóng phí trong 5, 10, hoặc 15 năm, nhưng thời hạn bảo hiểm có thể kéo dài tới 20-30 năm hoặc đến 99 tuổi.
- Ngộ nhận về "lãi suất": Bảo hiểm nhân thọ không phải là sản phẩm đầu tư sinh lời nhanh. Khoản "156 triệu" sau 10 năm trong trường hợp trên thực chất là số tiền bảo hiểm cam kết nếu giữ hợp đồng đến hết kỳ hạn, không phải lãi suất cố định.
-Bỏ qua "giá trị hoàn lại": Đây là số tiền khách hàng nhận được nếu rút trước hạn. Giá trị này thường thấp hơn rất nhiều so với tổng phí đã đóng trong 5-10 năm đầu tiên vì phải trừ đi phí ban đầu, phí rủi ro và quản lý hợp đồng.
Chị Lan Anh mang hợp đồng ra xem lại, lần đầu đọc kỹ từng điều khoản sau 10 năm đóng phí đều đặn. Quả thật, các điều khoản về thời hạn bảo hiểm, thời gian đóng phí, giá trị hoàn lại trước hạn, quyền lợi khi duy trì đến năm thứ 15 đều được ghi rất rõ. Nhưng chị thừa nhận, "Mình chỉ nhớ lời bạn nói, chứ không đọc kỹ giấy tờ".
Hoặc