Thành phố Đà Nẵng hiện đang lấy ý kiến của các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp về những phương án phát triển Khu Thương mại tự do Đà Nẵng (DFTZ) – mô hình đầu tiên được cho phép thí điểm thành lập tại Việt Nam – trước khi gửi đề án lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối năm nay.
Khu thương mại tự do chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Đà Nẵng. Đáng chú ý, lần đầu tiên trên cả nước, Quốc hội cho phép Đà Nẵng thí điểm thành lập Khu thương mại tự do.
Ngay sau kỳ họp, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chia sẻ trên Báo điện tử Chính phủ rằng đây là một chủ trương lớn, mang ý nghĩa quan trọng và được kỳ vọng sẽ trở thành "cú hích" mạnh mẽ để phát triển kinh tế của thành phố và khu vực.
Ông Quảng nhấn mạnh rằng chính sách thí điểm này mang tính đột phá, thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, nhằm thử nghiệm một mô hình hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Theo ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, việc thí điểm thành lập Khu thương mại tự do sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc để thành phố phát huy các tiềm năng và lợi thế. Ông khẳng định khu thương mại tự do sẽ góp phần thu hút dòng vốn đầu tư FDI vào Đà Nẵng và vùng động lực miền Trung, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng và cả nước, đồng thời đa dạng hóa các hoạt động thương mại và du lịch, gắn với vai trò trung tâm của thành phố.
Về tiến độ, Thủ tướng đã yêu cầu Đà Nẵng hoàn thành đề án và hồ sơ thành lập Khu thương mại tự do trong tháng 12/2024. Sau đó, hồ sơ sẽ được gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thẩm định. Dự kiến, trong quý IV/2024 và quý I/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Thủ tướng quyết định thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng.
Để quản lý hiệu quả, Đà Nẵng đề xuất Thủ tướng giao nhiệm vụ quản lý Khu thương mại tự do cho Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp. Bộ Nội vụ dự kiến sẽ xem xét và thẩm định đề xuất này trong năm nay.
Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng có gì?
Tại Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng – Động lực mới phát triển ngành logistics TP Đà Nẵng” tổ chức gần đây, PGS.TS. Bùi Quang Bình, đại diện Tổ tư vấn xây dựng đề án, chia sẻ rằng dự án này kỳ vọng sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, mở rộng quy mô TP Đà Nẵng, đồng thời tạo ảnh hưởng tích cực đến kinh tế vùng trọng điểm miền Trung.
Thành phố dự kiến xây dựng một khu thương mại tự do phân tán với 9 vị trí chính, được thiết kế thành các khu chức năng bao gồm: khu sản xuất, khu logistics, và khu thương mại - dịch vụ, với tổng diện tích hơn 1.700 ha.
Khu sản xuất: Phía bắc sông Cu Đê (400 ha) và Khu công nghệ cao Đà Nẵng cùng phần mở rộng (559 ha).
Khu thương mại - dịch vụ: Chân núi Bà Nà (90 ha), hai bên đường Bà Nà - Suối Mơ (154 ha và 53 ha).
Khu logistics: Khu công nghiệp Hòa Nhơn (200 ha), phía Tây Nam sân bay Đà Nẵng (80 ha), khu vực sau cảng Liên Chiểu (100 ha), và đường tránh Nam Hải Vân (100 ha).
Ngoài ra, TP Đà Nẵng sẽ xem xét bổ sung khu thương mại tự do lấn biển dọc bờ biển Nguyễn Tất Thành, với diện tích dự kiến khoảng 420 ha.
Mục tiêu phát triển đến năm 2030, khu thương mại tự do sẽ đóng góp trực tiếp từ 1-2% GRDP TP Đà Nẵng và thu hút khoảng 21.000 lao động. Đến năm 2040, tỷ lệ đóng góp dự kiến tăng lên 9,5% GRDP và 90.000 lao động. Đến năm 2050, kỳ vọng khu vực này sẽ chiếm 17,9% GRDP và tạo việc làm cho 127.000 lao động.
Theo ông Bùi Quang Bình, khu thương mại tự do Đà Nẵng sẽ được phát triển theo mô hình “khu trong khu”, là tổ hợp đa chức năng tích hợp nhiều lĩnh vực như logistics cảng biển, sân bay, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất và các hoạt động phụ trợ. Cơ chế quản lý sẽ áp dụng mô hình một cửa, một đầu mối, với sự liên kết chặt chẽ giữa các phân khu, ngành và khu vực để tạo hiệu quả cộng hưởng.
Dự án sẽ tập trung phát triển bốn ngành ưu tiên gồm: logistics, sản xuất, thương mại và dịch vụ, cùng đổi mới sáng tạo. Khu thương mại tự do được kỳ vọng trở thành trung tâm vận tải đa phương thức, dịch vụ phụ trợ và kho bãi chất lượng cao.
Sản xuất tại đây sẽ hướng đến các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, sản xuất máy bay, phụ trợ hàng không, cơ khí tiên tiến, dược phẩm, công nghệ sinh học, và đặc biệt là lắp ráp, thử nghiệm, đóng gói chip bán dẫn.
Trung tâm dịch vụ sẽ tích hợp các hoạt động du lịch và thương mại, bao gồm bán lẻ miễn thuế, du lịch y tế, casino, khách sạn, ăn uống, và du lịch MICE, đồng thời thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực ưu tiên như AI, bán dẫn.
Năm 2022, theo khảo sát thường niên Expat Insider của Tổ chức InterNations, Việt Nam đứng thứ 7 trong tổng số 52 quốc gia đáng sống nhất cho người nước ngoài. Trong đó, Đà Nẵng thuộc những lựa chọn hàng đầu.
Nơi đây từng là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới năm 2018 theo bình chọn của Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas.
Hoặc