Khi tiến hành đánh giá, Fortune đề cao các công ty thể hiện vai trò tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề lớn của quốc tế, từ biến đổi khí hậu, bất bình đẳng đến sức khỏe cộng đồng. Và Viettel được tôn vinh nhờ các nỗ lực cải thiện chất lượng giáo giục tại Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài mà Viettel đầu tư.
Cụ thể, chương trình kết nối mạng giáo dục, hay còn có tên quen thuộc khác là Internet trường học, đã thay đổi cách dạy học, vận hành nhà trường theo cách truyền thống, trải dài suốt nhiều năm, mở ra một cách thức tiếp cận kiến thức mới không giới hạn. Suốt gần 2 thập kỷ, Internet do Viettel cung cấp đường truyền cho các cơ sở giáo dục đã từ một thứ mới mẻ, lạ lẫm, trở nên quen thuộc, không thể thiếu đối với các thầy cô, học sinh trong hoạt động hằng ngày.
Viettel giúp 25 triệu người tiếp cận InternetViệt Nam chính thức hòa mạng Internet quốc tế từ ngày 19/11/1997, tuy vậy, sau hơn 1 thập kỷ, khái niệm "vào mạng" chưa thực sự phổ biến tại Việt Nam, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu vực khó khăn. Đến năm 2007, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, lượng người dùng Internet ở Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 24% dân số cả nước.
Theo số liệu thống kê của Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), tính đến đầu năm 2008-2009, vẫn còn khoảng hơn 17.000 trên tổng số 27.500 trường học trên toàn quốc chưa nối Internet, chiếm đến 62%.
Trong bối cảnh ấy, Tập đoàn Viettel (khi ấy là Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel) và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký biên bản ghi nhớ vào tháng 9/2008, chính thức khởi công kết nối mạng giáo dục. Năm học 2008-2009 cũng được Bộ GD&ĐT xác định là "năm học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin".
Lãnh đạo Viettel lúc bấy giờ cho biết đây là một nỗ lực rất lớn của Viettel nhằm hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục, "làm phẳng" cơ hội học tập, nghiên cứu giữa hệ thống các trường học, các phương thức giáo dục hiện đại sẽ chạm tới những xã vùng sâu, vùng xa nhất.
Chỉ 2 năm sau, Viettel hoàn thành cam kết ban đầu. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia trên thế giới có 100% cơ sở giáo dục được kết nối mạng.
Tại báo cáo năm 2010 của SEAMEO-Tổ chức Bộ trưởng giáo dục của các nước ASEAN, đánh giá về ICT trong giáo dục đã xếp Việt Nam ở vị trí cao ngang hàng với các quốc gia Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chỉ mới 2 năm trước đó, Việt Nam bị xếp ở nhóm thấp nhất, cùng Lào, Campuchia, Myanmar.
Một thoả thuận mới tiếp tục được ký, với cam kết nâng cấp đường truyền cho các trường học lên băng thông rộng, bảo đảm tốc độ truy cập nhanh hơn, ổn định hơn. Suốt 16 năm qua, bên cạnh việc cung cấp đường truyền, Viettel còn hỗ trợ nhiều trường học nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin như cung cấp thiết bị máy tính, máy in và hệ thống mạng nội bộ. Tính đến năm 2024, chương trình đã giúp 25 triệu học sinh, sinh viên và giáo viên tiếp cận Internet, góp phần tăng tỉ lệ tiếp cận Internet ở Việt Nam lên 85%.
"Tấm lòng của người lính"Từ thành công đó, sau này, khi Viettel mở rộng đầu tư quốc tế, tại những vùng nơi câu chuyện học tập, giảng dạy cũng gặp khó khăn tương tự như Việt Nam từng trải qua, Viettel tiếp tục nhân rộng Internet trường học. Tại các nước như Peru, Mozambique, Burundi, Lào, Campuchia, Viettel đã cung cấp mạng Internet miễn phí tới các trường học trên toàn quốc với số tiền tài trợ lên đến vài trăm tỷ đồng ở mỗi quốc gia. Đơn cử, tại Haiti, Viettel cam kết với chính phủ sẽ lắp mạng cho hơn 1.000 trường học trong giai đoạn 2021-2025.
Về sau, trên thế giới, một số tổ chức, tên tuổi lớn trên thế giới cũng triển khai các dự án phủ sóng Internet tới nhóm yếu thế. Có thể kể đến dự án Loon của Google (ra mắt năm 2013), Internet.org của Facebook (Meta) (ra mắt năm 2015) với mục tiêu đưa Internet tới các vùng hẻo lánh hay gần nhất có sáng kiến GIGA do Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) khởi xướng vào năm 2019, hướng tới giúp đỡ các trường học ở nhiều quốc gia chưa có kết nối mạng.
Viettel, với quan điểm từ ngày đầu kinh doanh rằng lợi nhuận không phải tất cả, cần đóng góp cho cộng đồng, đã chứng minh được tầm nhìn đúng đắn khi tiên phong, triển khai sớm việc đưa Internet gắn kết vào lĩnh vực giáo dục. Để thực hiện dự án nhanh chóng, duy trì bền bỉ và kéo dài đến tận giờ, phải kể đến nền tảng của Viettel một doanh nghiệp viễn thông hoạt động trên nhiều quốc gia, sở hữu hạ tầng vững mạnh. Trên hết, Viettel còn nổi bật bởi một tinh thần bền bỉ, không bao giờ bỏ cuộc.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT từng nhận định: "Chương trình thể hiện tấm lòng của người lính, tuy rằng giáo dục (Bộ GD&ĐT) không giao nhiệm vụ cho quân đội, nhưng quân đội với tinh thần chỗ nào khó là có người lính xung kích, đã giải quyết được cái tắc của giáo dục trong làm công nghệ thông tin, chính là vấn đề hạ tầng. Nếu không có tấm lòng ý chí người chiến sĩ thì chắc còn chậm, còn lâu hơn nhiều chúng ta mới phổ cập được Internet đến các trường học toàn quốc".
MT
Hoặc