Những ngày cuối năm, tranh thủ thời tiết khô ráo, anh Nguyễn Cao Cường, Tổ trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh) cùng nhiều thành viên trong gia đình tranh thủ ra đồng dứa để làm cỏ luống. Anh cho biết, thời tiết lạnh như thế này không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây dứa Cayen. Miễn sao, phải đảm bảo kỹ thuật vun luống, không để ứ đọng nước gây úng cây.
Anh Nguyễn Cao Cường là một trong nhiều hộ dân mạnh dạn trồng thử nghiệm giống dứa Cayen. Anh chia sẻ, gia đình anh có 4 sào đất màu, trước đây, trồng ngô và các loại đậu, lạc ngắn ngày phục vụ chăn nuôi, thu nhập không đáng kể. Sau khi tham quan mô hình trồng dứa tại Ninh Bình và được sự vận động của chính quyền huyện, anh đã tiên phong trồng mở rộng giống dứa Cayen trên đất màu.
"Bước đầu trồng, tôi thấy giống dứa này rất hợp với chất đất tại địa phương. Hi vọng sẽ cho thu nhập cao trong tương lai", anh Cường nói.
Theo tìm hiểu, huyện Vũ Quang nằm về phía Đông của dãy Trường Sơn với 3/4 diện tích tự nhiên là đồi núi. Đất đai ở Vũ Quang được đánh giá màu mỡ, phù sa, phù hợp phát triển các giống cây ăn quả, trồng rừng, cây công nghiệp ngắn ngày… Bao đời nay, người dân trên địa bàn sinh sống chủ yếu dựa vào kinh tế vườn đồi, trồng keo. Tuy nhiên, sau một thời gian, trồng keo tại các vườn đồi cho giá trị kinh tế không cao và không mang tính bền vững. Chưa kể, luôn tồn tại các nguy cơ về mất an toàn rừng, cháy và lợi dụng chặt phá rừng, xói mòn... Trước thực trạng trên, chính quyền huyện Vũ Quang đã nghiên cứu, thử nghiệm và động viên người dân tích cực chuyển đổi diện tích đất đồi, đất màu kém hiệu quả sang trồng dứa Cayen.
Theo tính toán, mỗi cây dứa trưởng thành sẽ cho thu hoạch 1 quả với giá thu mua dao động từ 2.500 đồng - 5.000 đồng/kg. Bình quân 1ha sẽ cho thu hoạch từ 60 – 80 tấn với giá bán khoảng 5 triệu đồng/tấn. 1ha dứa sau 18 tháng sẽ đem lại thu nhập cho người dân từ 300 – 400 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cây keo hay cây màu khác.
Với những tín hiệu khả quan bước đầu, chính quyền huyện Vũ Quang kỳ vọng, sau cam chanh, hồng Yên Du thì dứa Cayen trở thành cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế cho người dân.
Hào hứng khi nói về giống dứa mới này, ông Trương Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Vũ Quang, chia sẻ, đặc điểm giống dứa Cayen rất dễ trồng, dễ chăm sóc, điều đặc biệt là không chỉ thích nghi tốt với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng đất đồi núi trên địa bàn huyện mà còn phù hợp phát triển trên đất màu.
"Để tăng giá trị kinh tế, ngoài cây cam chanh, chúng tôi đã và đang vận động người dân chuyển đổi các đồi keo, đất màu kém hiệu quả sang liên kết trồng dứa Cayen. Mục tiêu sớm đưa cây trồng này thành cây chủ lực song hành cùng cây cam. Trong cuộc họp hội đồng huyện sáng nay cũng đưa nội dung dứa Cayen thảo luận. Huyện đang dự kiến, phát triển trồng giống dứa này trên nhiều diện tích hơn nữa", ông Hà trao đổi với Người Đưa Tin vào sáng 25/12.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, huyện miền núi Vũ Quang đã trồng được gần 11ha dứa Cayen tại các xã: Đức Giang, Ân Phú, Đức Bồng Đức Lĩnh Đức Hương, Thọ Điền, Hương Minh, Thị Trấn Vũ Quang.
Hoặc