Hé lộ chung cư TP.HCM còn giá dưới 40 triệu/m2, Hà Nội 'sạch bóng'

Admin

28/07/2025 20:30

Theo Bộ Xây dựng, so với quý II năm ngoái, giá chung cư Hà Nội tăng khoảng 33%, trong khi tại TP.HCM giá chung cư tăng tới 36%.

Giá chung cư tại TP.HCM tăng 36% sau một năm, cao hơn đà tăng tại Thủ đô. Ảnh: Quỳnh Danh.

Tại báo cáo về thị trường bất động sản quý II vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết mức giá trung bình toàn thị trường chung cư trong quý vừa qua ở Hà Nội đã đạt khoảng 80 triệu đồng/m2, tăng 5,6% so với quý I và tăng tới 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên thị trường sơ cấp, các dự án mới mở bán đa số thuộc phân khúc cao cấp với nền giá phổ biến 120-270 triệu đồng/m2. Một số dự án đáng chú ý gồm The Nelson Private Residences (120-180 triệu đồng/m2), Noble Crystal (160-270 triệu đồng/m2), The Matrix One (120-150 triệu đồng/m2), Endless Skyline West Lake (120-150 triệu đồng/m2)…

Còn trên thị trường thứ cấp (chuyển nhượng), giá bán cũng đã thiết lập đỉnh mới. Chẳng hạn dự án Berriver Jardin Long Biên nay có giá 71-84 triệu đồng/m2, Hope Residence có giá 50-60 triệu đồng/m2, Vinhomes Green Bay Mễ Trì giá 63-99 triệu đồng/m2, IA20 Ciputra dao động 59-70 triệu đồng/m2, Roman Plaza giá 64-76 triệu đồng/m2, khu nhà ở Quân đội K35 Tân Mai giá khoảng 63-80 triệu đồng/m2...

Tại TP.HCM, Bộ Xây dựng cho biết giá căn hộ chung cư không có nhiều biến động so với quý I nhưng lại tăng tới 36% so với cùng kỳ năm 2024.

Bộ Xây dựng đưa nhiều ví dụ cho thấy giá nhiều chung cư cao cấp tại TP.HCM cũng đã vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, chẳng hạn Vista Verde (71-110 triệu đồng/m2), HaDo Centrosa Garden (94-130 triệu đồng/m2), Thảo Điền Green (163-200 triệu đồng/m2), Eaton Park (từ 160 triệu đồng/m2), Masteri Grand View (130-145 triệu đồng/m2)...

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thị trường TP.HCM vẫn còn các dự án có giá dưới 40 triệu đồng/m2 - mức gần như tuyệt chủng tại Hà Nội - như CityLand Park Hills (38-65 triệu đồng/m2), Conic Riverside (33-43 triệu đồng/m2)...

Tình trạng tăng giá bất động sản, đặc biệt tại các đô thị lớn, đã đặt ra nhiều thách thức cả với người dân lẫn cơ quan quản lý. Để ổn định thị trường, Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách thuế đối với nhà ở, bất động sản không sử dụng; thu thuế phần chênh lệch giữa các lần giao dịch để tránh đầu cơ, thổi giá bất động sản...

Bộ Xây dựng cũng đề xuất Ngân hàng nhà nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc các ngân hàng tham gia Chương trình tín dụng cho vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng, đồng thời nghiên cứu gói tín dụng trung hạn với lãi suất ổn định đối với các dự án nhà ở thương mại giá phù hợp.

Còn với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Xây dựng cho rằng cần công bố kịp thời thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản, công khai các văn bản thông báo bất động sản đủ điều kiện đưa vào kinh doanh; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; kịp thời giải quyết vướng mắc của các dự án trên địa bàn.

Các địa phương cũng cần bố trí quỹ đất đầy đủ; chủ động bố trí ngân sách địa phương thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để có quỹ đất sạch phát triển nhà ở xã hội...

Về phần mình, Bộ Xây dựng sẽ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các địa phương đẩy nhanh công tác quy hoạch, tạo quỹ đất để phát triển các dự án nhà ở, nhất là dự án nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp.

Bộ cũng cam kết tiếp tục hoàn thiện Đề án thí điểm mô hình "Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do nhà nước quản lý", báo cáo Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định...

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.