Văn phòng Chính phủ tuần qua đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, chính thức đồng ý chủ trương nghiên cứu và bổ sung hai Cảng hàng không mới vào quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc.
Đây là hai dự án được đánh giá có vị trí đặc thù: sân bay Măng Đen nằm trên địa hình đồi núi cao nguyên, còn sân bay Vân Phong lại tọa lạc hoàn toàn trên vùng mặt nước ven biển – lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Để triển khai việc điều chỉnh quy hoạch, Phó Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng rà soát kỹ lưỡng và bảo đảm đầy đủ các căn cứ pháp lý, kỹ thuật và an toàn để thực hiện điều chỉnh theo trình tự rút gọn, phù hợp với quy định. Đặc biệt, công tác rà soát cần lưu ý đến yếu tố an toàn không lưu, tránh xung đột và chồng lấn vùng trời trong hệ thống cảng hàng không quốc gia.


Hình ảnh mô phỏng sân bay Vân Phong và Măng Đen trong tương lai bằng AI ChatGPT
Như vậy, trong tương lai, hệ thống giao thông hàng không Việt Nam sẽ chứng kiến sự xuất hiện của hai sân bay với vị trí địa lý đặc biệt: sân bay Vân Phong xây dựng trên mặt nước và sân bay Măng Đen nằm giữa vùng đồi núi. Cả hai đều được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chiến lược quốc phòng tại các khu vực trọng điểm, tạo dấu ấn với bản đồ hàng không thế giới.
Sân bay Vân Phong – “sân bay trên biển” đầu tiên của Việt Nam
Sân bay Vân Phong dự kiến được xây dựng tại xã Vạn Thắng, tỉnh Khánh Hòa, cách Nha Trang khoảng 65km và nằm hoàn toàn trên vùng mặt nước ven bờ biển – một điều chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
Với diện tích quy hoạch hơn 497 ha, khu vực xây dựng sân bay không có dân cư, không vướng rừng phòng hộ hay khu neo đậu tàu thuyền, giúp tối ưu hóa chi phí giải phóng mặt bằng.

Dự án này được thiết kế theo tiêu chuẩn sân bay cấp 4E, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay thân rộng như Airbus A350 hay Boeing 787, đồng thời phục vụ cả mục tiêu dân sự và quân sự (cấp I).
Công suất giai đoạn đầu dự kiến đạt 1,5 triệu hành khách/năm. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 9.214 tỷ đồng (chưa tính lãi vay), dự kiến hoàn thành trước năm 2029.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhấn mạnh cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp kỹ thuật để bảo đảm an toàn vận hành, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng tại khu vực Khánh Hòa.
Sân bay Măng Đen – cửa ngõ hàng không vùng Tây Nguyên
Trái ngược với Vân Phong, sân bay Măng Đen nằm giữa vùng đồi núi xã Măng Đen (Quảng Ngãi), cách TP Kon Tum khoảng 45km. Với diện tích quy hoạch khoảng 350ha, sân bay Măng Đen hướng tới công suất 1 triệu hành khách/năm vào năm 2030, và có thể mở rộng khai thác vượt công suất sau đó.

Sân bay này được phân loại cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, phù hợp với các loại máy bay tầm trung và đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối khu vực Tây Nguyên với các trung tâm kinh tế lớn.
Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu vào khoảng 5.000 tỷ đồng, trong đó 6,6% là vốn ngân sách cho giải phóng mặt bằng, còn lại là vốn từ nhà đầu tư theo hình thức PPP. Dự kiến thời gian hoàn vốn lên tới 48,4 năm.
Việc phát triển cùng lúc hai sân bay ở hai dạng địa hình trái ngược – một trên mặt nước và một trên núi cao – thể hiện tầm nhìn chiến lược dài hạn của Việt Nam trong mở rộng hạ tầng giao thông hàng không. Không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, du lịch và thương mại, các dự án này còn mang ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm an ninh quốc phòng và tăng cường kết nối vùng sâu, vùng xa.
Khi hoàn thành, sân bay Vân Phong và Măng Đen không chỉ là những biểu tượng công trình mang tính tiên phong về kỹ thuật, mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện tại miền Trung và Tây Nguyên.
Hoặc