Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), sau 3 tháng thực hiện Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (từ ngày 1/1 đến ngày 31/3), số trường hợp vi phạm giao thông bị xử phạt đã giảm mạnh, lên tới 31,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các hành vi vi phạm có mức giảm cao là vi phạm nồng độ cồn, chở quá khổ, quá tải trọng, quá số người quy định…
Ba tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 728.818 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông (so với cùng kỳ xử phạt giảm 341.519 trường hợp); tước quyền sử dụng giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn 50.973 trường hợp; 75.202 giấy phép lái xe bị trừ điểm; tạm giữ 203.341 phương tiện (gồm 3.791 ô tô, 192.570 mô tô, 6.980 phương tiện khác).
Trong đó: 168.598 trường hợp vi phạm tốc độ, so với cùng kỳ giảm 92.213 trường hợp (35,4%); 149.931 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, so với cùng kỳ giảm 130.340 trường hợp (46,5%); 994 trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, so với cùng kỳ giảm 556 trường hợp (36,3%); 10.675 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng, so với cùng kỳ giảm 10.583 trường hợp (49,8%); 5.444 trường hợp chở quá số người quy định, giảm 9.322 trường hợp (63,1%)
Bên cạnh đó, còn có 9.131 trường hợp vi phạm không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông bị xử lý (giảm 5281 trường hợp, bằng 36,6%); 543 trường hợp bị xử lý vì lỗi không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; 30.296 trường hợp vi phạm phần đường, làn đường; 64.764 trường hợp vi phạm về mũ bảo hiểm; 424 trường hợp phương tiện quá hạn hoặc hết hạn kiểm định…

Ảnh minh họa
Chạy quá tốc độ bị phạt bao nhiêu?
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, quy định cụ thể về mức xử phạt đối với hành vi chạy quá tốc độ đối với người điều khiển ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các phương tiện tương tự.
Theo quy định, người điều khiển ô tô chạy vượt quá tốc độ cho phép từ 5km/h đến dưới 10km/h sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Nếu vi phạm ở mức từ 10km/h đến 20km/h, tài xế có thể bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Đối với trường hợp xe chạy quá tốc độ từ 20km/h đến dưới 35km/h, mức phạt sẽ dao động từ 6 đến 8 triệu đồng.
Trong khi đó, nếu vi phạm trên 35km/h, tài xế sẽ bị phạt từ 12 đến 14 triệu đồng theo quy định của Nghị định 168.
Với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các phương tiện tương tự, nếu chạy vượt quá tốc độ cho phép từ 5km/h đến dưới 10km/h, mức xử phạt là từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Trường hợp chạy quá tốc độ từ 10km/h đến 20km/h, người vi phạm sẽ bị phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Riêng hành vi chạy quá tốc độ trên 20km/h đối với xe máy sẽ bị xử phạt ở mức 6-8 triệu đồng.
Bên cạnh đó, theo quy định mới nhất hiện nay, ô tô chạy quá tốc độ gây tai nạn giao thông bị phạt tiền từ 20 - 22 triệu đồng, trừ 10 điểm GPLX. Trường hợp duy nhất chạy quá tốc độ bị tước quyền sử dụng bằng lái từ 10 - 12 tháng là lỗi chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; đồng thời phạt tiền từ 40 - 45 triệu đồng.
Trường hợp nào chạy quá tốc độ không bị xử phạt?
Khi tham gia giao thông, người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định về tốc độ theo Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, pháp luật cũng có quy định về ngưỡng vượt tốc độ được chấp nhận mà không bị xử phạt.
Cụ thể, nếu phương tiện di chuyển vượt quá tốc độ tối đa cho phép nhưng không quá 5km/h, hành vi này sẽ không bị coi là vi phạm. Trong trường hợp này, cảnh sát giao thông khi kiểm tra có thể nhắc nhở người điều khiển phương tiện nhưng sẽ không áp dụng hình thức xử phạt hành chính.
Dù vậy, để đảm bảo an toàn khi lưu thông, tài xế nên duy trì tốc độ ổn định và chỉ nên vượt tốc độ trong giới hạn 5km/h khi thật sự cần thiết, chẳng hạn như khi vượt xe khác. Việc lạm dụng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hoặc