Các chuyên gia đề xuất xem xét đánh thuế với giao dịch vàng để quản lý thị trường này hiệu quả. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 9/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức cuộc họp để trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Tại buổi họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, giá vàng là câu chuyện của cả quốc tế chứ không riêng Việt Nam. Triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã có nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường này.
Nhu cầu dự trữ vàng trong dân rất lớn
Trong đó, nhà điều hành đã kế thừa giải pháp đấu thầu vàng từng triển khai năm 2013, tuy nhiên, chênh lệch giá bán vàng miếng SJC với giá thế giới chưa giảm như kỳ vọng.
Ngay sau đó, NHNN đã triển khai biện pháp can thiệp mới từ 3/6 thông qua việc bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) để các đơn vị này bán vàng cho người dân.
Thống đốc cho biết qua 1 tuần triển khai, kết quả bước đầu đạt được là chênh lệch giá vàng miếng SJC và giá thế giới đã được thu hẹp.
Để có biện pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả, Thống đốc NHNN mong muốn lắng nghe ý kiến đánh giá của các chuyên gia về các giải pháp nhà điều hành đã triển khai thời gian qua, cũng như đề xuất góp ý mới.
Sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn, kéo theo nhu cầu dự trữ trong dân lớn
Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng
Tại cuộc họp, Phó thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết nhà điều hành đánh giá sức hấp dẫn của vàng còn rất lớn, kéo theo nhu cầu dự trữ trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng USD hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian.
Phó thống đốc cho hay NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24 với mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán.
“Không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới, không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội, nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất kinh doanh”, Phó thống đốc nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng cho biết việc can thiệp của NHNN vừa qua là có cơ sở pháp lý, thông qua hướng dẫn, quy định trong các Nghị định 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước; Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định 16/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN; Thông tư 06/2013 hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước…
Xem xét đánh thuế với giao dịch vàng
Tại cuộc họp, đa số chuyên gia kinh tế cho rằng NHNN cần có giải pháp hữu hiệu để thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, tránh hệ lụy tiêu cực của tình trạng này như buôn lậu, trốn thuế, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài…
Đặc biệt, các chuyên gia đánh giá cao phương án NHNN bán vàng miếng SJC cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC để từ đó bán vàng miếng trực tiếp tới người dân.
Dù đã có kết quả là giảm được chênh lệch giá giữa 2 thị trường, các chuyên gia cho rằng để đảm bảo thị trường vàng ổn định, hiệu quả nhà điều hành cần có giải pháp dài hạn như sửa đổi Nghị định 24 để phù hợp với tình hình hiện nay.
Để khắc phục những dấu hiệu bất ổn trong thị trường vàng hiện nay, một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất là xem xét đánh thuế đối với giao dịch vàng.
GS, TS Hoàng Văn Cường cho rằng giữa việc nhập khẩu vàng làm nguyên liệu cho chế biến trang sức và nhập khẩu để làm vàng miếng, thì 2 mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào cũng phải thu thuế.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm thuế xuống. “Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế”, ông nói.
Tương tự, TS Trương Văn Phước cho rằng thuế là một công cụ điều tiết của bất cứ Nhà nước nào, bất động sản hay vàng hay bất kỳ nguồn thu nào khác đều cần quản lý thuế.
“Có nhiều quan điểm trong bối cảnh người dân đổ xô đi mua vàng, đầu cơ, tích trữ như thế. Đến một lúc nào đó, tôi nghĩ rằng Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế để điều tiết, không chỉ là điều tiết thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng”, ông nói.
Một trong những giải pháp được các chuyên gia đề xuất là xem xét đánh thuế đối với giao dịch vàng. Ảnh: Trương Hiếu. |
Đồng quan điểm, PGS, TS Nguyễn Thị Mùi đề xuất NHNN cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng. Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng.
Giải pháp này có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng.
Bên cạnh đó, việc áp dụng thuế sẽ đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay, các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp.
TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc đánh thuế trên giao dịch vàng không những tăng nguồn thu cho ngân sách mà có khả năng làm giảm lợi nhuận trong kinh doanh vàng tại thời điểm giá vàng tăng cao, một phương pháp chống “vàng hóa” hữu hiệu.
Bên cạnh đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng, các chuyên gia cũng cảnh báo người dân thận trọng khi mua vàng giai đoạn này.
Theo TS Trương Văn Phước, NHNN bán vàng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC đã làm giá vàng giảm xuống. Với góc nhìn của biến động thị trường, ông Phước cho rằng, lúc này người dân cần thận trọng vì chỉ một động thái Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngừng mua vàng dự trữ đã khiến giá vàng thế giới giảm 80-100 USD/ounce. Ngoài ra, thị trường còn nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu.
“Tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng”, TS Trương Văn Phước nhấn mạnh.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Hoặc