Khủng hoảng truyền thông nhìn từ vụ việc Làng Háo Hức, chuyên gia nói thẳng: Đám cháy đáng lẽ đã có thể dập bằng một cốc nước

Admin

05/07/2025 12:11

Theo chuyên gia truyền thông, vụ việc tại trại hè Làng Háo Hức một lần nữa cho thấy, trong xử lý khủng hoảng truyền thông, điều quan trọng không chỉ là đúng sai, mà là cách phản hồi ngay từ đầu.

Đầu tháng 7/2025, mạng xã hội lan truyền bài viết của một phụ huynh tố cáo trại hè Làng Háo Hức vì điều kiện vệ sinh kém, con trai bị bắt nạt, sức khỏe suy giảm sau khi tham gia chương trình. Phụ huynh cho biết đã phản ánh nhưng nhận lại thái độ thiếu thiện chí từ ban tổ chức. Sự việc gây xôn xao, nhiều gia đình khác cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự, cho rằng mức phí 9–11 triệu đồng là quá cao so với chất lượng. Fanpage Làng Háo Hức sau đó đối mặt với làn sóng bình luận phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay.

Trước thông tin đó, tối 3/7 Làng Háo Hức đã chính thức lên tiếng, khẳng định luôn tuân thủ quy trình vệ sinh, phòng chống côn trùng, đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng và tiếp nhận phản hồi với tinh thần cầu thị. Tuy nhiên, đơn vị này cũng cho rằng một số phụ huynh có ngôn từ thiếu văn hóa khi góp ý. Đơn vị này cũng gửi lời xin lỗi vì để xảy ra trải nghiệm chưa trọn vẹn và cam kết sẽ cải thiện, đồng thời nhấn mạnh triết lý giáo dục thiên về trải nghiệm tự lập, gắn với thiên nhiên và lòng biết ơn.

Góc nhìn chuyên gia truyền thông

Bình luận về vụ việc dưới góc độ truyền thông, chuyên gia truyền thông Phùng Thái Học - nhà sáng lập cộng đồng Tâm Sự Con Sen nhận định đây là ví dụ điển hình về khủng hoảng truyền thông có thể tránh được nếu được xử lý đúng cách ngay từ đầu.

Anh ví von: “Khủng hoảng như một đốm lửa trong khu rừng khô, nếu dập khi đám lửa còn đang nhỏ thì có khi một cốc nước cũng xong chuyện. Nếu để lửa lan rộng, thì cả đội cứu hoả hùng hậu chưa chắc đã làm được gì, thậm chí có lúc còn phải đợi cháy hết để thu dọn tàn tro”.

Khủng hoảng truyền thông nhìn từ vụ việc Làng Háo Hức, chuyên gia nói thẳng: Đám cháy đáng lẽ đã có thể dập bằng một cốc nước- Ảnh 1.

Theo anh Phùng Thái Học, những phát ngôn đầu tiên trong khủng hoảng có vai trò then chốt, vì nó sẽ quyết định đám cháy truyền thông sẽ thu nhỏ lại hay tiếp tục lan rộng.

Chuyên gia này cũng chỉ ra rằng, có nhiều kiểu phát ngôn sai lầm thường gặp, như hàm ý đổ lỗi cho người khác để giảm nhẹ trách nhiệm, kể lể công lao để đánh lạc hướng dư luận khỏi sai sót, viết quá dài và lan man làm phát sinh những chủ đề tranh cãi mới ngoài kiểm soát, hoặc sử dụng ngôn ngữ pháp lý gây áp lực và phản cảm.

“Vấn đề nằm ở chỗ, có những đơn vị thật sự muốn giải quyết khủng hoảng, nhưng cách làm lại chưa đúng,” anh nói thêm.

Từ góc độ phụ huynh, anh Học chia sẻ bản thân từng quan tâm đến mô hình Làng Háo Hức và đã cân nhắc cho con tham gia. Tuy nhiên, chuỗi phản ánh tiêu cực gần đây khiến anh phải dè chừng.

“Mình không phải hệ phụ huynh bao bọc con quá mức, không sợ con nghịch bẩn. Tuy nhiên hàng loạt những ý kiến phản hồi tiêu cực như vậy khiến người làm cha mẹ cũng sẽ phải rén tay khi cho con tham gia,” anh chia sẻ.