Làm cách nào để phòng rủi ro trước biến động mạnh của giá cà phê?

Admin

21/12/2024 05:30

(Chinhphu.vn) - Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV, cà phê là mặt hàng rất nhạy cảm với các thông tin cung cầu cũng như yếu tố vĩ mô nên việc phòng hộ giá thông qua thị trường cà phê phái sinh, cụ thể là hợp đồng tương lai là điều rất cần thiết.

Làm cách nào để phòng rủi ro trước biến động mạnh của giá cà phê?- Ảnh 1.

Sau đợt tăng vọt lên sát mức đỉnh lịch sử, giá cà phê Việt Nam đang đứng trước đà giảm mạnh. Tại thời điểm biến động này, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho rằng các thành phần tham gia thị trường cà phê, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nên quan tâm nhiều hơn đến việc phòng hộ giá qua thị trường cà phê phái sinh. Đây là công cụ phòng ngừa rủi ro hữu hiệu khi giá có biến động, đặc biệt khi vụ cà phê 2024-2025 của nước ta trong giai đoạn chính cung ứng ra thế giới.

Giá cà phê quay đầu “rơi tự do” sau khi gần chạm đỉnh

Tháng 11 năm nay, giá cà phê thế giới và trong nước đều ghi nhận làn sóng tăng lịch sử. Theo ghi nhận từ MXV, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã phá đỉnh lịch sử cũ, thậm chí có thời điểm đã vượt mốc 5.700 USD/tấn. Tính đến hết phiên giao dịch 30/11, giá cà phê Robusta đã cao gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và tăng khoảng 30% so với thời điểm đầu tháng. Đồng pha với giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tính đến ngày 30/11, ở mức 130.000 đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước và ngày càng sát mức đỉnh lịch sử cũ hồi tháng 4, khi dừng tại mức 134.400 đồng/kg.

Làm cách nào để phòng rủi ro trước biến động mạnh của giá cà phê?- Ảnh 2.

MXV nhận định rằng đầu cơ - một yếu tố đặc trưng của thị trường cà phê phái sinh, là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy giá cà phê liên tục tăng mạnh trong một tháng trở lại đây bên cạnh lo ngại thiếu hụt nguồn kéo dài dai dẳng từ đầu năm 2024.

Kể từ khi ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, thị trường xuất hiện sự dịch chuyển dòng tiền từ các kênh trú ẩn như vàng, kim loại quý sang các kênh đầu tư có tính sinh lời cao như cà phê, ca cao. Kết hợp cùng lo ngại thiếu hụt nguồn cung khiến thị trường thêm kỳ vọng vào việc giá cà phê sẽ tăng tiếp, đẩy giới đầu cơ tăng nắm giữ các vị thế mua.

Về phía thông tin cung – cầu, từ tháng 10, mưa đã quay lại vùng trồng cà phê chính của Brazil nhưng lượng mưa liên tục nằm dưới mức trung bình lịch sử, kết hợp cùng nhiều tháng khô hạn kỷ lục trước đó, khiến thị trường càng tin rằng sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 và 2025-2026 của quốc gia này sẽ ở mức thấp. Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (CONAB) đã hạ dự báo sản lượng niên vụ 2024-2025 xuống 54,8 triệu bao, giảm 7% so với dự báo trước và thấp hơn khoảng 300.000 bao so với vụ trước. Đồng thời, hãng tư vấn StoneX dự đoán sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 giảm 0,4% so với vụ 2024-2025, về còn 65,6 triệu bao loại 60 kg.

Tại Việt Nam, tháng 11 thường là thời điểm nguồn cung cà phê vụ mới bắt đầu đẩy ra thị trường và lượng xuất khẩu tăng dần. Nhưng năm nay, nông dân chưa vội bán khiến xuất khẩu vụ mới còn ảm đạm. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, nước ta mới xuất khẩu 20.933 tấn cà phê, giảm mạnh 45% so với cùng kỳ năm 2023, thậm chí thấp hơn 3% so với 15 ngày đầu tháng 10.

Làm cách nào để phòng rủi ro trước biến động mạnh của giá cà phê?- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV

Nhận định về diễn biến trên thị trường cà phê dựa trên những bài học lịch sử, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc MXV cho rằng sau đợt tăng mạnh do yếu tố đầu cơ, giá cà phê dễ hình thành đà giảm mạnh để đưa giá về với đúng mức giá được quyết định bởi nguyên lý cung – cầu. Đặc biệt, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy nguồn cung cà phê vụ mới ra thị trường thì giá dễ lao dốc hơn so với giá thế giới.

Phòng hộ giá qua giao dịch cà phê hợp đồng tương lai

Trước những biến động mạnh chưa từng có trong vòng một năm trở lại đây trên thị trường cà phê, ông Quỳnh cho biết cà phê là mặt hàng rất nhạy cảm với các thông tin cung cầu cũng như yếu tố vĩ mô nên việc phòng hộ giá thông qua thị trường cà phê phái sinh, cụ thể là hợp đồng tương lai là điều rất cần thiết. Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới và những tháng cuối năm khi thu hoạch vào chính vụ, hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh thì diễn biến giá lại biến động mạnh và có xu hướng đảo chiều.

Về lý thuyết, phòng vệ giá qua hợp đồng cà phê tương lai là một công cụ quan trọng giúp các doanh nghiệp cà phê bảo hộ khỏi những biến động giá không mong muốn, đặc biệt khi giá cà phê có khả năng giảm mạnh trong tương lai. Hợp đồng tương lai là một thỏa thuận giữa hai bên mua và bán. Trong đó người mua cam kết mua một lượng cà phê với mức giá xác định vào một thời điểm nhất định trong tương lai, còn người bán cam kết bán cà phê với giá đó. Việc sử dụng hợp đồng cà phê tương lai giúp các doanh nghiệp bảo đảm mức giá ổn định cho sản phẩm của mình, qua đó giảm thiểu rủi ro do biến động giá.

Làm cách nào để phòng rủi ro trước biến động mạnh của giá cà phê?- Ảnh 4.

Ví dụ như một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam lo ngại giá cà phê giảm mạnh vào tháng tới, họ có thể ký hợp đồng tương lai để bán cà phê với mức giá cố định. Điều này giúp doanh nghiệp bảo vệ lợi nhuận dù giá cà phê trên thị trường có giảm xuống.

Ngoài ra, khi giá biến động quá nhanh và mạnh thì khả năng “xù” hợp đồng, giành lợi ích về phía mình rất dễ xảy ra. Lúc này việc thực hiện giao dịch cà phê qua thị trường phái sinh với hình thức giao – nhận hàng vật chất có thể giúp các bên bảo đảm nguồn cà phê cho các hoạt động thương mại.

Có một ví dụ thực tế trong giai đoạn đầu năm 2024, giá cà phê Việt tăng vọt lên đỉnh lịch sử, không ít nông dân đã không thực hiện giao dịch như thỏa thuận thật trước đó. Lúc này, các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào thế bí, không có cà phê để cung cấp cho đối tác nước ngoài như đã ký trước đó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp phải xoay sang hình thức mua hàng trên thị trường phái sinh để có hàng thực xuất khẩu.

Phòng vệ giá qua hợp đồng cà phê tương lai là một công cụ hữu ích giúp các doanh nghiệp trong ngành cà phê bảo vệ mình khỏi những biến động giá lớn, đặc biệt là khi giá cà phê có thể giảm mạnh. Việc sử dụng hợp đồng tương lai giúp giảm thiểu rủi ro, bảo vệ lợi nhuận và tạo sự ổn định cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả tối đa, doanh nghiệp tất nhiên vẫn cần phải có chiến lược rõ ràng, hiểu biết sâu sắc về thị trường và các yếu tố tác động đến giá cà phê.

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Giá cà phê tiếp đà lên đỉnh 27 nămGiá cà phê tiếp đà lên đỉnh 27 năm
Tham khảo thêm
Giá dầu ‘leo thang’, giá cà phê diễn biến trái chiều
Tham khảo thêm
Giá cà phê và ca cao bứt phá ấn tượng trước xu hướng giảm của toàn thị trườngGiá cà phê và ca cao bứt phá ấn tượng trước xu hướng giảm của toàn thị trường