Ngày 1/2, Liên minh vận tải Gemini của 2 hãng tàu container Maersk (Đan Mạch) và Hapag Lloyd (Đức) bắt đầu có hiệu lực trên toàn cầu. Trong đó, ở Việt Nam, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) được chọn làm cảng chính duy nhất tại phía Nam Việt Nam, theo Báo Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc Cảng Quốc tế Cái Mép trở thành cảng chính tại phía Nam Việt Nam trong Liên minh vận tải Gemini sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng kết nối cụm cảng Cái Mép-Thị Vải và các tuyến vận tải quốc tế.
Điều này không chỉ giúp gia tăng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, mà còn mở ra cơ hội hợp tác, phát triển logistics và cải thiện hạ tầng cảng biển, từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải biển trong nước.
Để hình thành Liên minh vận tải Gemini, Maersk đã rút khỏi liên minh 2M, trong khi Hapag-Lloyd rời khỏi THE Alliance vào đầu năm 2025. Liên minh vận tải biển là hình thức hợp tác giữa các hãng tàu, nơi các bên cùng chia sẻ nguồn lực như: thông tin, lịch trình và không gian trên tàu, nhằm tối ưu hóa hiệu quả vận hành và tiết kiệm chi phí.
Tuy nhiên, các hãng tàu trong liên minh không hợp tác về marketing, bán hàng, hay giá cước.
Mục tiêu của Liên minh vận tải Gemini là nâng cao hiệu quả hoạt động của các hãng tàu thông qua việc mở rộng mạng lưới tuyến dịch vụ, tăng tần suất vận chuyển và cải thiện tỷ lệ lấp đầy tàu. Đồng thời, các hãng cũng sẽ tận dụng được quy mô và mạng lưới để giảm chi phí và cung cấp giá cước cạnh tranh hơn cho khách hàng.
Cảng biển Việt Nam có lợi thế khi các liên minh hãng tàu tái cấu trúc
Theo Cổng thông tin Bà Rịa - Vũng Tàu, trong bối cảnh tái cấu trúc các liên minh hãng tàu, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải được kỳ vọng sẽ có cơ hội lớn để định vị lại vị thế và thu hút thêm thị phần. Các chuyên gia cảng biển nhận định xu hướng mở rộng đội tàu với kích thước lớn hơn và tăng tần suất dừng cảng sẽ mang lại lợi thế cho các cảng nước sâu tại Việt Nam, trong đó có Cái Mép-Thị Vải.
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển cho rằng, đây là cơ hội cho Cái Mép-Thị Vải nhờ vào những lợi thế về chất lượng làm hàng, với việc lọt vào top 6 cảng container hoạt động hiệu quả nhất toàn cầu và có khả năng tiếp nhận tàu container lớn lên tới hơn 232.000 DWT. Những lợi thế này sẽ giúp Cái Mép-Thị Vải thu hút thêm lưu lượng hàng hóa, tăng cường hàng trung chuyển và mở rộng các tuyến vận tải mới khi các hãng tàu tái cơ cấu tuyến.
Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh giữa Cái Mép-Thị Vải và các cảng trung chuyển lớn khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore và Malaysia. Để duy trì lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cảng biển cần phải liên tục cải thiện chất lượng dịch vụ và đầu tư vào công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao từ các hãng tàu.
Theo ông Trần Khánh Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, điều quan trọng đối với các cảng biển hiện nay là nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu và xu hướng phát triển của ngành hàng hải toàn cầu. Trong bối cảnh ngành hàng hải tập trung giảm phát thải, việc đầu tư vào công nghệ thân thiện với môi trường, như tàu chạy bằng nhiên liệu xanh (methanol, amoniac, hydro), sẽ là yếu tố quyết định. Các cảng biển cần phải phát triển theo hướng “xanh hóa” để phù hợp với xu hướng phát triển của ngành vận tải biển quốc tế.
Ngoài ra, việc nâng cấp hạ tầng cảng biển để tiếp nhận tàu lớn, đặc biệt là tàu có kích cỡ từ 16.000 TEU đến hơn 24.000 TEU, là một yếu tố quan trọng giúp Cái Mép-Thị Vải duy trì và phát triển thị phần. Các cảng tại hạ lưu của Cái Mép như Gemalink, CMIT và SSIT có lợi thế về mớn nước sâu, khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn sẽ giúp Cái Mép-Thị Vải gia tăng lượng hàng qua cảng và thu hút các tuyến dịch vụ mới.
Hồi giữa năm 2024, Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương cho cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) do Công ty TNHH Cảng quốc tế Cái Mép làm chủ đầu tư chính thức tiếp nhận tàu container có trọng tải đến 214.121 DWT giảm tải.
Cục Hàng hải Việt Nam được giao trách nhiệm hướng dẫn, giám sát chủ đầu tư xây dựng triển khai các bước tiếp theo bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định số 58/2017 của Chính phủ, các văn bản của Bộ GTVT và các quy định có liên quan của pháp luật.
Đồng thời, phê duyệt phương án đảm bảo an toàn hàng hải cho tàu container trọng tải đến chính thức vào, rời cảng CMIT, cũng như chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu chỉ cấp phép cho tàu container có trọng tải đến 214.121 DWT chở không đầy tải (giảm tải) vào, rời bến cảng khi bảo đảm tuyệt đối an toàn, an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường.
Hoặc