Bài viết được độc giả Mai Xuân Sơn gửi từ email son...@hsc.com.vn, với đánh giá "Must read" cho những ai quan tâm tới lĩnh vực đầu tư tài chính. "Cuốn sách thực sự có khối lượng kiến thức kinh tế lớn, nhưng cũng khá khô khan với nhiều thuật ngữ kinh tế, nên đôi lúc cần quyết tâm của độc giả để đi hết tác phẩm".
Cuốn Chính sách tiền tệ thế kỷ 21 - Chiến lược ứng phó của Cục dự trữ liên bang Mỹ từ Đại lạm phát đến nay - của đồng chủ nhân giải Nobel kinh tế 2022 và cũng là Cựu chủ tịch Fed Ben S. Bernanke.
Chỉ cần xem kỹ tiêu đề ngay trang bìa của cuốn sách thì bạn cũng đã mường tượng được nội dung bên trong cũng như góc nhìn của tác giả. Cuốn sách cho ta cái nhìn toàn cảnh về một trong những tổ chức quan trọng từng rất bí ẩn của thế giới trở thành cơ quan được chú ý nhiều nhất trong lĩnh vực kinh tế, tài chính toàn cầu và xuất hiện ngày càng nhiều trên các bản tin tài chính hàng ngày.
Chính sách tiền tệ thế kỷ 21. |
Thế giới ngày càng phẳng, nhất là trong thị trường tài chính, nơi mà chỉ cần một bài đăng trên mạng xã hội từ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng làm chao đảo thị trường chứng khoán nhiều nước, hay một dòng tweet từ tỷ phú Elon Musk cũng khiến các đồng coin biến động chóng mặt.
Fed với vai trò cực kỳ quan trọng của mình, không chỉ với riêng nước Mỹ mà còn đối với tài chính toàn cầu. Mỹ là nền kinh tế lớn, thị trường vốn lớn nhất và tính thanh khoản cao nhất thế giới, đồng đôla trở thành đồng tiền thanh toán lớn nhất, và là đồng tiền chủ chốt trong dự trữ ngoại hối của các nước khác. Chỉ cần một hành động thay đổi trong chính sách điều hành “nới lỏng” hoặc “thắt chặt” thì dòng vốn toàn cầu cũng sẽ chuyển động.
Vì vậy, việc cuốn sách khi phát hành đã tạo cơn sốt là điều dễ hiểu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua, cả thế giới và Fed cùng có những hành động chưa từng có để đối phó đại dịch và đến hiện nay vẫn đang phải khắc phục hậu quả.
Tác giả giải thích những thuật ngữ, cơ chế hoạt động, cơ chế điều hành gắn liền diễn biến của nền kinh tế Mỹ và toàn cầu từ lúc Fed thành lập đến nay.
Độc giả sẽ được trải qua từ giai đoạn Fed thành lập năm 1913 nhằm đóng vai trò là “người cho vay cuối cùng”, trải qua Đại khủng hoảng những năm 1930, cho tới giai đoạn chấm dứt bản vị vàng những năm 1937, rồi chiến tranh thế giới những năm 1941-1945 và bước ngoặt ở năm 1951 khi Fed được phép sử dụng chính sách lãi suất để phục vụ mục tiêu kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Sau đó là giai đoạn Đại lạm phát 1965 đến 1980, thập niên bùng nổ 1990, trước khi khủng hoảng tài chính châu Á 1997, rồi Bong bóng Dotcom 2001, Bong bóng nhà ở và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và gần nhất là đại dịch Covid 2019-2020 chao đảo toàn thế giới.
Sách mang tới cái nhìn tổng quan theo chiều dài lịch sử và cũng là những mốc thời gian đánh dấu sự “trưởng thành” của “quý ông Fed” hiện tại. Các khái niệm như FOMC, toàn dụng lao động, “bồ câu”, “diều hâu”, QE QT… các yếu tố gây ra lạm phát: Chi phí đẩy, Cầu kéo và nhất là Kỳ vọng lạm phát được phân tích rất kỹ.
Trong vòng xoáy lạm phát, giá cả hàng hóa tăng nhanh, khiến người dân có kỳ vọng là lạm phát sẽ còn tăng lên, dẫn đến các hành động mua gom hàng hóa, đàm phán lại tiền lương với yêu cầu mức cao hơn, nhưng đó lại là các tác nhân để khiến lạm phát lại cao hơn nữa, tạo thành một vòng xoáy lạm phát.
Điều này cũng là một phần để Fed từ việc “chỉ làm không nói” cho đến bắt buộc phải “vừa làm vừa nói” và cả “nói trước khi làm”. Và đôi khi việc “nói trước khi làm” lại là cách đỡ tốn nguồn lực nhất.
Tuy nhiên, tác giả cũng giải thích vì sao Fed nói thường rất mơ hồ và khó hiểu, thay vì nói “tăng lãi suất” “giảm lãi suất” “giữ nguyên” thì họ lại dùng những câu như “sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu theo các bước đong đếm được” “trong khoản thời gian đáng kể sau khi chương trình mua tài sản kết thúc, đặc biệt nếu lạm phát dự kiến tiếp tục dưới mục tiêu dài hạn…”
Đây cũng là cách chủ tịch Fed chừa đường lui cho mình, cũng như đảm bảo an toàn tính mạng và gia đình lãnh đạo của Fed vốn đã khá nhiều lần bị đe dọa.
Tổng thống Mỹ là người bổ nhiệm chủ tịch Fed, nhưng Fed lại hoạt động độc lập và có những pha bẻ lái từ bạn bè thân thiết thành “kẻ thù” “đối thủ” của nhau. Nhưng cũng có đôi khi Fed không tách biệt được khỏi ý chí chính trị, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng ở thời kỳ bộ đôi bạn thân Chủ tịch Burn và Tổng thống Nixon.
Phần cuối sách, tác giả cũng mở ra rất nhiều hướng mới cho Fed trong giai đoạn mới, Fed đã cân nhắc rất nhiều nhưng một số chính sách vẫn còn đắn đo như Fed được mua nhiều loại tài sản hơn trong QE, Fed cho các tổ chức vay, Lãi suất âm…
Việc phối hợp với chính sách tài khóa, cũng như đưa thêm các mục tiêu Kinh tế vĩ mô ngoài ưu tiên số 1 là Lạm phát mục tiêu (inflation target) và số 2 là Toàn dụng lao động, còn có một số hướng mở khác như “Trực thăng tiền”, đồng tiền điện tử của Fed…
Rất nhiều gợi mở của tác giả, là cựu Chủ tịch Fed, đề cập đến để xem xét và nghiên cứu trong bối cảnh thế giới đang ngày càng biến động nhanh chóng. Với tôi, quan điểm vô cùng đúng đắn của tác giả trong sách là: “Chính sách tiền tệ không bao giờ có khả năng giúp tránh được suy thoái, mà chỉ có thể giảm thiểu suy thoái và tăng tốc độ phục hồi”.
Cuốn sách thực sự có khối lượng kiến thức kinh tế lớn, nhưng cũng khá khô khan với nhiều thuật ngữ kinh tế, nên đôi lúc cần quyết tâm của độc giả để đi hết cuốn sách. Tuy nhiên, đối với những độc giả trong lĩnh vực đầu tư tài chính thì cuốn sách này theo mình là “must read”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.
Hoặc