Chuyên gia lo ngại bảng giá đất mới của Hà Nội có thể làm giá bất động sản Thủ đô tiếp tục tăng. Ảnh: Việt Linh. |
Theo bảng giá đất sửa đổi của TP Hà Nội áp dụng từ nay đến hết năm 2025, phần lớn vị trí đất đều được điều chỉnh tăng giá gấp 2-6 lần so với bảng giá cũ, mức tăng trung bình vào khoảng 3,5 lần. Không ít tuyến phố trung tâm quận Hoàn Kiếm có giá gần 700 triệu đồng/m2.
Theo quy định, bảng giá đất mới của TP Hà Nội sẽ được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tính tiền thuê đất; tính các loại thuế liên quan như thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất; tính tiền bồi thường khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất; tính giá khởi điểm để đấu giá đất...
Giá nhà đất có thể tăng theo bảng giá mới
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội đánh giá bảng giá đất điều chỉnh của Thủ đô đã sát với giá thị trường hơn và sẽ có những tác động nhất định đến các loại hình bất động sản.
Cụ thể, vị chuyên gia cho rằng do mức tăng trong bảng giá đất mới khá đột biến so với bảng giá cũ nên sẽ tác động tới các loại chi phí liên quan tới tiền sử dụng đất, chi phí giải phóng mặt bằng, phí giao dịch chuyển nhượng, vốn đều sử dụng cơ sở tính toán (hoặc tham khảo) là bảng giá đất.
"Tác động có thể khác nhau giữa các loại hình và tính chất bất động sản nhưng nhìn chung đều có tác động theo chiều hướng gia tăng chi phí cho các chủ thể sử dụng, khai thác và kinh doanh bất động sản", chuyên gia nói.
Bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng đặt ra lo ngại bảng giá đất điều chỉnh có thể làm tăng giá bất động sản và hợp thức hóa cho mức giá có dấu hiệu "ảo" hiện tại.
Cụ thể, thời gian qua giá các loại bất động sản ở Hà Nội, đặc biệt là nhà ở, đã tăng rất nhanh, thậm chí tăng "ảo", vượt xa khả năng chi trả của người dân. Mức giá giao dịch thực tế trên thị trường vốn đang làm cho người dân và cả những người làm chính sách băn khoăn, tìm phương án kiểm soát.
"Tuy nhiên bảng giá đất điều chỉnh theo hướng tăng mạnh và tiệm cận thị trường thực tế, vô hình trung đang hợp thức hóa cho mức giá rất cao và có dấu hiệu ảo của thị trường", bà Miền nói..
Thêm vào đó, việc bảng giá đất cao như hiện nay sẽ khiến chi phí thực hiện dự án tăng, từ đó các chủ đầu tư sẽ tiếp tục nâng giá bán cao hơn nữa.
Ngoài ra, bà Miền cho rằng khi áp dụng bảng giá đất mới, các chủ đầu tư cũng sẽ gặp khó trong giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện dự án.
"Việc xác định bảng giá đất sát với thị trường sẽ giúp hài hòa lợi ích giữa 3 bên là Nhà nước, chủ đầu tư và người dân. Tuy nhiên, bảng giá đất như hiện nay làm tăng chi phí đầu vào buộc chủ đầu tư tăng giá bán, người tiêu dùng cuối sẽ thêm khó khăn hơn trước", bà nói.
Hạn chế giao dịch hai giá
Dù vậy, các chuyên gia đều đồng thuận cho rằng bảng giá đất mới tiệm cận giá thị trường sẽ có nhiều tác động tích cực.
Theo bà Nguyễn Hoài An, điểm tích cực dễ thấy nhất là hạn chế tình trạng giao dịch 2 giá trên thị trường (người mua, bán kê khai giá trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn mức giá thực tế nhằm giảm thuế, phí). Đồng thời, bảng giá đất tăng cũng làm tăng hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng của các dự án còn đang chậm tiến độ do vấn đề giải phóng mặt bằng.
Bảng giá đất tiệm cận thị trường có thể thúc đẩy khâu giải phóng mặt bằng, hạn chế tình trạng chuyển nhượng 2 giá trong giao dịch bất động sản. Ảnh: Việt Linh. |
Đồng quan điểm, bà Phạm Thị Miền cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất sẽ giúp Nhà nước thu đúng và đủ các loại thuế phát sinh trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Ngoài ra, thị trường hiện có nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc ở khâu xác định tiền sử dụng đất, việc ban hành bảng giá đất mới giúp các dự án có căn cứ pháp lý để tiếp tục triển khai và cung cấp nguồn cung mới cho thị trưởng.
Mới đây, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển Tài nguyên Đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đánh giá mức điều chỉnh trong bảng giá mới phản ánh đúng nguyên tắc tiệm cận thị trường.
Ông Chính cho rằng người dân phải làm quen với vấn đề này, không thể để tình trạng bán nhà 2 giá tái diễn.
Trước lo ngại của người dân về việc bảng giá đất điều chỉnh cao gấp nhiều lần giá cũ kéo theo tiền sử dụng đất tăng cao, ông Chính khẳng định Chính phủ đã lường trước và tính toán đến vấn đề này. Ông cho biết mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không phải lấy nguyên bảng giá mới để thu.
“Trước đây, quy định trong hạn mức thì thu 50%, ngoài hạn mức thu 100%. Còn bây giờ theo Nghị định 103 đã giảm xuống rất nhiều, có trường hợp chỉ nộp 20% trong hạn mức. Bên cạnh đó, còn chính sách hỗ trợ như cho nợ tiền sử dụng đất trong vòng 5 năm, để giảm gánh nặng tài chính cho người dân”, ông Chính nói.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng nhìn nhận bảng giá mới giúp tăng thu ngân sách qua thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất của người dân, doanh nghiệp.
Còn về góc độ thuế, phí về đất đai cao không phù hợp với thu nhập của người dân, cơ quan quản lý cho rằng cần nghiên cứu giảm tỷ suất tính thuế, phí, chứ không giảm giá đất.
Cũng theo Sở TNMT, bảng giá điều chỉnh cơ bản không ảnh hưởng đến việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất do giá đất làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là giá đất cụ thể.
Giá đất cụ thể này được xác định bằng phương pháp định giá đất theo quy định và được quy ra hệ số điều chỉnh giá đất để so sánh với giá đất cùng vị trí quy định trong bảng giá đất của UBND thành phố.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư trở thành khái niệm phổ biến. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra trong nước và thế giới. Không chỉ tập trung vào các lĩnh vực đầu tư phổ biến như bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, ngoại hối, tiền ảo... Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.
Hoặc