Rong biển là một loại ‘rau xanh’, một món quà vô cùng quý giá từ biển cả. Ngoài làm thức ăn, rong biển còn được dùng làm thuốc, thực phẩm hỗ trợ chữa bệnh cho con người. Rong biển là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam.
Việt Nam có đường bờ biển dài, có tiềm năng lớn để phát triển ngành rong biển với khoảng 800 loài rong biển được xác định, nhưng diện tích trồng và sản lượng hiện tại vẫn còn hạn chế. Năm 2023, diện tích trồng rong biển đạt gần 17.000 ha, sản lượng khoảng 150.000 tấn.
Nhằm tận dụng tiềm năng này, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt sản lượng 180.000 tấn rong biển và đến năm 2030 đạt 500.000 tấn, báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin.

Rong biển là một thực phẩm giàu dinh dưỡng và ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia công nghệ thực phẩm, cho hay rong biển là một loại thực phẩm giàu dinh dưỡng nhưng có thể bị nhiễm vi nhựa do ô nhiễm môi trường biển. Một số nghiên cứu chỉ ra rong biển là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều vi nhựa bậc nhất. Theo chuỗi thức ăn, vi nhựa cũng được đưa vào cơ thể con người.
Vi nhựa (microplastic) là các hạt nhựa có kích thước rất nhỏ, thường dưới 5mm, được hình thành từ quá trình phân rã của các sản phẩm nhựa lớn như chai nhựa, túi nylon, lưới đánh cá... dưới tác động của ánh nắng, sóng biển hoặc thời tiết. Vi nhựa có mặt ở khắp mọi nơi trong nước biển, đất, không khí và thậm chí cả thực phẩm.
“Bản thân vi nhựa không có trong tự nhiên, nó là sản phẩm do con người tạo ra. Quá trình tổng hợp polime đã tạo ra các sản phẩm như hộp nhựa, túi nylon, sợi trong quần áo… đã giúp thay đổi rất lớn tới cuộc sống, giúp mọi thứ trở nên tiện lợi. Tuy nhiên, khi các chất dẻo (nhựa) được thải ra môi trường, sẽ phân huỷ tạo ra các hạt vi nhựa rất nhỏ. Các hạt này trôi nổi trong nước ra biển sẽ nhiễm vào tảo, rong biển… Các loại tảo, rong biển là thức ăn của cá, khi cá ăn vào cũng sẽ nhiễm vi nhựa. Theo chuỗi thức ăn, con người ăn các loại tảo, rong biển, cá biển… sẽ đưa vi nhựa vào cơ thể”, PGS Thịnh giải thích.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu tác động của hạt vi nhựa đối với sức khỏe con người. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hạt vi nhựa có thể gây chết tế bào, phản ứng miễn dịch và tổn thương mô. Các nghiên cứu trên động vật cho thấy hạt vi nhựa có thể gây tắc nghẽn đường ruột và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Dựa trên những phát hiện này, các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng hạt vi nhựa có thể liên quan đến ung thư, bệnh tim, bệnh thận, bệnh Alzheimer hoặc các vấn đề về khả năng sinh sản ở người.
Theo PGS Thịnh, nghiên cứu về hạt vi nhựa vẫn còn mới mẻ. Các nhà khoa học đang tìm cách phát hiện và phân tích chúng, nhưng còn gặp nhiều khó khăn như thiếu tiêu chuẩn chung. Vì vậy, sự hợp tác giữa các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực là rất quan trọng để phát triển phương pháp nghiên cứu hiệu quả hơn và thu thập dữ liệu nhanh chóng.
Hiện nay, khi chưa rõ tác hại của vi nhựa tới đâu, vị chuyên gia công nghệ thực phẩm lưu ý để giảm thiểu nguy cơ tiêu thụ vi nhựa từ rong biển, người dân nên lựa chọn sản phẩm từ các nguồn uy tín, được kiểm soát chất lượng và thu hoạch từ vùng biển ít ô nhiễm. Bên cạnh đó, con người cần phải có ý thức sử dụng nhựa hợp lý để không xả thải ra môi trường.
Hoặc