Năm 2022, người phụ nữ họ Lý ở Hồ Nam, Trung Quốc mua một chiếc xe mới tinh. Để cẩn thận hơn, cô cũng nhanh chóng mua thêm một gói “bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ 3” trị giá 2 triệu NDT (hơn 7 tỷ đồng) cho ô tô mới của mình. Cô Lý tin rằng loại bảo hiểm này có thể cung cấp cho cô sự bảo vệ tài chính cần thiết trong trường hợp xảy ra tai nạn, đặc biệt là khi tổn thất có thể liên quan tới người khác.
Sau khi mua xe, cô Lý đã đỗ tạm trong gara của người hàng xóm là ông Lưu. Trong vài ngày đầu, mọi việc đều bình thường. Không ai ngờ rằng chỉ 23 ngày sau đó, một thảm họa bất ngờ xảy ra phá vỡ niềm vui của cô.
Vào một đêm khuya, chiếc xe của cô Lý bất ngờ bốc cháy trong gara của ông Lưu. Khi ngọn lửa lan nhanh, toàn bộ gara trở thành biển lửa. Chiếc xe mới của cô Lý bị cháy thành sắt vụn ngay lập tức, còn ngôi nhà của ông Lưu cũng bị hư hại nghiêm trọng. Vụ hỏa hoạn không chỉ phá hủy kết cấu ngôi nhà mà còn thiêu rụi toàn bộ tài sản của ông Lưu.
Mặc dù vụ cháy không phải do cô Lý cố ý gây ra, nhưng sự cố đã gây thiệt hại quá lớn cho người hàng xóm. Cô Lý cũng vô cùng áy náy và cảm thấy bản thân cần phải chịu trách nhiệm về tổn thất này. Cô Lý nộp đơn yêu cầu bồi thường tới công ty bảo hiểm. Tuy nhiên, cô không thể ngờ được rằng yêu cầu của mình nhanh chóng bị công ty bảo hiểm từ chối thẳng thừng.
Theo lý do của công ty đưa ra, xe của cô Lý bị bốc cháy khi đang đỗ trong gara, nhưng khoản bảo hiểm chỉ được bồi thường đối với tai nạn trên đường. Vì vậy, sự cố này không nằm trong điều khoản được bồi thường và cô Lý phải tự chịu trách nhiệm.
Phản hồi của công ty bảo hiểm khiến cô Lý vô cùng bức xúc. Cô cho rằng, mặc dù vụ tai nạn này không phải là tai nạn giao thông, nhưng cũng là tai nạn không lường trước được, nên công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Do hai bên không đạt được đồng thuận, cô Lý quyết định bảo vệ quyền lợi của mình thông qua biện pháp pháp lý. Theo đó, cô Lý nộp đơn kiện lên Tòa án Hồ Nam, yêu cầu công ty bảo hiểm hỗ trợ bồi thường cho thiệt hại về nhà và các tổn thất khác của ông Lưu, tổng cộng là 203.492 NDT (khoảng hơn 715 triệu đồng).

(Ảnh minh họa)
Sau khi vụ việc đi vào quá trình tố tụng, hai bên đã tranh luận gay gắt về việc liệu các vụ cháy do xe tự bốc cháy có được bảo hiểm hay không. Luật sư của cô Lý chỉ ra tại tòa rằng, mặc dù công ty bảo hiểm tuyên bố rằng bảo hiểm này chỉ áp dụng cho tai nạn giao thông, nhưng hợp đồng bảo hiểm không quy định rõ ràng rằng "tai nạn giao thông" là điều kiện duy nhất để yêu cầu bồi thường. Miễn là xe gây ra thiệt hại cho bên thứ 3 trong quá trình sử dụng, cho dù đang lái hay đang đỗ, thì xe đó sẽ được bồi thường.
Trong khi đó, luật sư của công ty bảo hiểm nhấn mạnh rằng phạm vi bồi thường của bảo hiểm trách nhiệm cho bên thứ 3 chỉ giới hạn ở tai nạn giao thông, nghĩa là công ty bảo hiểm chỉ chịu trách nhiệm bồi thường nếu tai nạn xảy ra khi xe đang chạy và gây thiệt hại cho bên thứ 3. Tuy nhiên, xe của cô Lý đã bốc cháy khi đang đỗ, không liên quan gì đến vụ tai nạn giao thông nên không đáp ứng điều kiện bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm.
Sau nhiều phiên điều trần, cuối cùng tòa án đã ra phán quyết có lợi cho yêu cầu bồi thường của cô Lý. Tòa án Hồ Nam, Trung Quốc, chỉ ra rằng hợp đồng bảo hiểm không đưa ra giải thích rõ ràng và hạn chế về “tai nạn giao thông”. Trên thực tế, một chiếc xe có thể gây thiệt hại cho bên thứ 3 dù đang di chuyển hay đang đỗ. Mặc dù vụ tai nạn xảy ra do xe tự bốc cháy khi đang đỗ, nhưng ngọn lửa lại do chính chiếc xe gây ra chứ không phải là cố ý nên đây là một tai nạn. Do đó, công ty bảo hiểm phải chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng.
Cuối cùng, tòa án phán quyết công ty bảo hiểm phải bồi thường cho cô Lý 245.492 NDT (khoảng 878 triệu đồng), bao gồm cả tổn thất do xe tự bốc cháy và chi phí sửa chữa nhà của ông Lưu.
(Theo 163 news)
Hoặc