Mức sinh thay thế ở Hà Nội chạm đáy có nơi chỉ 1 con/phụ nữ

Admin

18/07/2025 16:03

Mức sinh thay thế ở Hà Nội đang sụt giảm mạnh, có nơi chỉ còn 1 con/phụ nữ, thực trạng này không chỉ gây thiếu hụt lực lượng lao động mà còn đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số Thủ đô.

Trong xã hội hiện đại, ngày càng nhiều người trẻ lựa chọn kết hôn và sinh con muộn, với lý do phổ biến là tập trung phát triển sự nghiệp, ổn định tài chính hay chưa sẵn sàng về tâm lý. 

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo nếu trì hoãn sinh con sau tuổi 35 tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số mà còn gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Theo Tiến sĩ Vũ Duy Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Dân số, Trẻ em và Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội, công tác dân số phát triển của Thủ đô thời gian qua đã đạt nhiều kết quả tích cực. 

Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên tiếp tục giảm, chỉ còn 6,3% trong 6 tháng đầu năm 2025. Các chỉ tiêu nâng cao chất lượng dân số đều vượt kế hoạch, tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 87,5%, sàng lọc sơ sinh 90,4%, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân đạt 82%...

Tuy nhiên, Hà Nội vẫn đối mặt không ít thách thức. Mức sinh thay thế hiện nay chỉ đạt 2,01 con/phụ nữ, gần sát mức cân bằng 2,1 con nhưng có xu hướng giảm, chưa bền vững. 

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh dù giảm dần nhưng vẫn cao hơn mức tự nhiên, với tỷ lệ 111,3 bé trai/100 bé gái trong 6 tháng đầu năm. Già hóa dân số diễn ra nhanh, đe dọa thiếu hụt lực lượng lao động và gia tăng áp lực an sinh xã hội.

Mức sinh thay thế ở Hà Nội chạm đáy có nơi chỉ 1 con/phụ nữ- Ảnh 1.

BSCKI Nguyễn Thành Trung - Trưởng khoa Khám Bệnh, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội tư vấn và khám cho bệnh nhân.

Điển hình tại phường Giảng Võ, mức sinh thay thế chỉ còn 1,0 con/phụ nữ. Ông Nguyễn Thanh Hiếu – Trưởng Trạm Y tế phường Giảng Võ cho biết: "Nhiều người trẻ lựa chọn xây dựng sự nghiệp, đạt thu nhập cao trước rồi mới nghĩ đến kết hôn và sinh con. 

Một số cặp kết hôn vì gia đình thúc giục nhưng vẫn trì hoãn sinh con. Xu hướng kết hôn muộn, sinh muộn đang làm suy giảm mức sinh, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe sinh sản".

Để ứng phó, phường đã tăng cường tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, sức khỏe sinh sản vị thành niên, sàng lọc trước sinh, chăm sóc người cao tuổi, vận động các cặp đôi kết hôn và sinh con sớm, tránh để muộn vừa gây khó khăn sức khỏe, vừa tạo áp lực kinh tế – xã hội lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai, khoa Phụ sản – Bệnh viện Đa khoa Vân Đình phân tích: "Phụ nữ nên sinh con trước 35 tuổi để giảm thiểu rủi ro. Khi tuổi mẹ càng lớn, nguy cơ dị tật thai nhi tăng cao, thai kỳ dễ biến chứng như sẩy thai, thai lưu, đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật, sinh non, sinh khó, rau tiền đạo, thậm chí phải sinh mổ thay vì sinh thường".

Bác sĩ Mai cũng cảnh báo, trẻ sinh ra từ các bà mẹ lớn tuổi dễ bị nhẹ cân, chậm phát triển, gặp dị tật bẩm sinh như Down, dị tật xương khớp, bệnh tim mạch, bệnh phổi, thậm chí có vấn đề về nhận thức. 

Vì vậy, phụ nữ trên 35 tuổi mang thai cần được theo dõi sát sao, khám định kỳ, làm các xét nghiệm sàng lọc di truyền, xét nghiệm dịch ối, NIPT… để kịp thời phát hiện bất thường thai nhi và can thiệp sớm.

Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế và nâng cao chất lượng dân số Thủ đô, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 30 ngày 31/1/2025 về điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, đặt mục tiêu cụ thể tổng tỷ suất sinh toàn thành phố đạt 2,1 con/phụ nữ.

Số hóa dữ liệu, Hà Nội loại bỏ thủ tục “cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”

Theo TS Vũ Duy Hưng, thành phố sẽ tập trung tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng, nhất là thanh niên, các cặp vợ chồng trẻ về hệ lụy của việc kết hôn muộn, sinh muộn, mức sinh thấp và mất cân bằng giới tính. 

Các thông điệp khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi, sinh đủ 2 con trước 35 tuổi sẽ được lồng ghép vào các kênh truyền thông đại chúng, hoạt động của đoàn thể.

Đồng thời, Hà Nội tiếp tục mở rộng tầm soát, chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, nâng cao thể lực tầm vóc thanh niên. 

Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông, vận động phù hợp với từng nhóm dân cư, từng địa phương, nhằm tạo đồng thuận, chuyển trọng tâm từ "dân số kế hoạch hóa gia đình" sang "dân số và phát triển" toàn diện, bền vững.

Việc nâng cao nhận thức cộng đồng về những rủi ro của việc sinh con muộn, kết hôn muộn không chỉ bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em mà còn góp phần đảm bảo cân bằng cơ cấu dân số, duy trì nguồn nhân lực trẻ cho phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô trong tương lai.