Trong kỳ tuyển sinh năm 1930 của Đại học Thanh Đảo, có một thí sinh đã nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận. Người này tên là Tang Khắc Gia, sinh năm 1905 tại Chư Thành, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Theo đó, dù kết quả thi không tốt nhưng Khắc Gia vẫn được đặc cách vào trường vì một lý do đặc biệt.
Xuất thân gây bất ngờ
Tang Khắc Gia sinh ra trong một gia đình trí thức lâu đời. Ông nội và cố nội của ông đều là công thần của triều đình nhà Thanh. Cha của Tang Khắc Gia từng tốt nghiệp trường Luật và Chính trị.
Tang Khắc Gia có niềm đam mê đặc biệt với văn học, cụ thể là thơ ca. Ông nội của Khắc Gia là một nhà thơ nổi tiếng thấm nhuần tư tưởng Nho giáo. Nhờ ông chỉ dạy mà Khắc Gia đã biết làm thơ văn và viết thư pháp từ khi còn rất nhỏ.
Năm 12 tuổi, ông đã có thể ghi nhớ hơn 60 bài thơ cổ nổi tiếng của Trung Quốc. Cũng trong giai đoạn này, Tang Khắc Gia được nhận vào trường tiểu học đứng đầu trong huyện. Sau đó, ông tiếp tục thi đỗ trường Sư phạm số 1 Sơn Đông (Trung Quốc) để thực hiện hóa ước mơ trở thành một nhà giáo mẫu mực.
Trong quá trình theo học tại trường Sư phạm số 1 Sơn Đông, điểm số của Tang Khắc Gia luôn đứng đầu. Tài năng của ông cũng được thầy cô và bạn học công nhận. Thời gian này, những bài thơ do Tang Khắc Gia sáng tác được nhiều người biết đến. Ông cũng gửi tác phẩm của mình cho các tạp chí trong và ngoài Trung Quốc.
Đến năm 20 tuổi, một tác phẩm của Tang Khắc Gia đã được đăng trên ấn phẩm lớn của Trung Quốc. Tên tuổi của ông trở nên nổi tiếng và được đánh giá cao.
Đến đầu năm 1927, Tang Khắc Gia được nhận vào Trường Chính trị và Quân sự Trung ương Vũ Hán (Trung Quốc). Tại đây, ông vừa rèn luyện trí đức, vừa củng cố tinh thần yêu nước.
Thí sinh đặc biệt
Năm 1930, vì muốn tiếp thu thêm tri thức, Tang Khắc Gia đã đưa ra một quyết định bất ngờ. Đó chính là thi vào Đại học Thanh Đảo ở tuổi 25. Khi đó, kỳ thi của trường chỉ có 2 môn là toán và tiếng Trung. Tang Khắc Gia vô cùng lo lắng vì toán không phải sở trường của bản thân.
Đến ngày thi toán, Tang Khắc Gia không trả lời được một câu hỏi nào. Sau 30 phút làm bài, ông đứng lên nộp giấy trắng rồi rời khỏi phòng thi.
Với bài thi tiếng Trung, thí sinh dự tuyển có thể chọn 1 trong 2 câu hỏi để trả lời. Câu hỏi đầu tiên là lý do họ nộp đơn vào Đại học Thanh Đảo. Câu hỏi thứ hai là nêu quan điểm cá nhân về cuộc sống. Tang Khắc Gia lập tức lựa chọn câu hỏi thứ hai. Tuy nhiên, ông chỉ viết 28 chữ vào giấy thi rồi ra về.
Không làm được môn toán, Tang Khắc Gia nghĩ rằng bản thân đã trượt kỳ thi. Thế nhưng, ông lại là trường hợp đặc biệt trúng tuyển vào Đại học Thanh Đảo.
Theo đó, ang Khắc Gia nhận điểm 0 môn toán. Thế nhưng, hiệu trưởng của Đại học Thanh Đảo đã rất ấn tượng với bài thi tiếng Trung tuy ngắn nhưng vô cùng hàm súc của ông. Dù câu trả lời chỉ vỏn vẹn 28 chữ: "Con người luôn theo đuổi ánh sáng, nhưng ai coi ánh sáng là ánh sáng sẽ chìm vào biển khổ vô tận’’, nhưng đã khiến nhiều cán bộ chấm thi phải khen ngợi. Cuối cùng, Tang Khắc Gia nhận được 98 điểm - số điểm cao nhất trong kỳ thi tuyển sinh năm 1930 của Đại học Thanh Đảo.
Sau đó, dù kết quả thi của Tang Khắc Gia nhận về nhiều ý kiến trái chiều nhưng phía Đại học Thanh Đảo vẫn giữ im lặng. Động thái này như muốn khẳng định quyết định ‘‘đặc cách’’ cho Tang Khắc Gia là hoàn toàn đúng đắn.
Cống hiến cho văn học Trung Quốc
Trong quá trình học tập tại Đại học Thanh Đảo, Tang Khắc Gia luôn chú tâm học tập và chứng minh được tài năng của bản thân. Năm 1934, ông xuất bản nhiều tập thơ gây ấn tượng mạnh mẽ với toàn bộ giới văn học Trung Quốc.
Năm 1938, Tang Khắc Gia gia nhập Hiệp hội văn học nghệ thuật Trung Quốc. Tháng 8 năm 1942, ông kết hôn với vợ là bà Trương Mẫn rồi sinh ra 4 người con. Trong giai đoạn này, các tác phẩm của Tang Khắc Gia có nội dung phục vụ kháng chiến và công tác tuyên truyền. Năm 1949, ông giữ chức vụ thành viên ban biên tập của một hãng thông tấn lớn tại Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc giành độc lập, Tang Khắc Gia tiếp tục làm công tác văn học và sáng tác. Nhiều tác phẩm của ông còn tập trung hướng tới những con người khốn khổ, nói nên nỗi vất vả của người dân nghèo khó, đồng thời thắp lên hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp và tươi sáng hơn.
Vào ngày 5 tháng 2 năm 2004, Tang Khắc Gia qua đời ở Bắc Kinh (Trung Quốc), hưởng thọ 99 tuổi.
Theo Toutiao
Hoặc