Theo Chỉ thị 20/CT-TTg vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7/2025, Hà Nội sẽ bắt đầu triển khai thí điểm việc không sử dụng nhựa dùng một lần tại các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, cửa hàng đồ uống… nằm trong khu vực Vành đai 1. Khu vực này bao gồm trung tâm cũ của Thủ đô, quanh hồ Hoàn Kiếm, tuyến phố Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt, Xã Đàn – nơi tập trung đông dân cư và nhiều dịch vụ ăn uống, lưu trú.
Chính sách này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm đáng kể lượng rác thải nhựa phát sinh từ các hoạt động tiêu dùng hàng ngày. Theo thống kê, mỗi ngày Hà Nội thải ra khoảng 1.400 tấn rác thải nhựa, trong đó hơn 60% là nhựa dùng một lần và túi nilon.
Nhựa dùng một lần rủi ro cho sức khỏe và môi trường
PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hiện nay là Cục Phòng bệnh, nhận định đây là một chủ trương rất tốt.
Ông nhấn mạnh, “Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đã ban hành chính sách không dùng nhựa một lần. Tại Việt Nam, một số hệ thống siêu thị lớn như BigC, MM Mega Market cũng đã ngừng phát túi nilon dùng một lần, thay vào đó khách hàng phải mua túi dùng nhiều lần”.

Nhựa dùng một lần (Ảnh minh hoạ).
Theo PGS Nga, nhựa dùng một lần tuy tiện lợi nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.
Khi tiếp xúc với thực phẩm nóng hoặc bị đốt cháy, nhiều sản phẩm nhựa có thể giải phóng các hóa chất độc hại như BPA, phthalates, styrene – những chất có thể gây rối loạn nội tiết, ảnh hưởng tới sinh sản, làm tăng nguy cơ ung thư, tổn thương gan, thận và hệ thần kinh. Đáng lo ngại hơn, vi nhựa các mảnh nhựa siêu nhỏ đã được phát hiện trong máu, phổi, ruột và cả nhau thai người.
“Các loại túi nilon, hộp nhựa khi đựng thực phẩm nóng có thể thôi ra hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng thực phẩm và sức khỏe người dùng”, PGS Nguyễn Huy Nga cảnh báo.
Về môi trường, nhựa dùng một lần rất khó phân hủy, có thể tồn tại hàng trăm năm. Khi bị đốt, chúng thải ra các chất độc như dioxin, ảnh hưởng nghiêm trọng tới không khí. Việc chôn lấp cũng tạo ra nguy cơ ô nhiễm đất và nguồn nước. Rác thải nhựa còn là nguyên nhân khiến hàng triệu sinh vật biển chết mỗi năm do nuốt hoặc mắc kẹt, và chuỗi thức ăn bị nhiễm vi nhựa đang âm thầm quay lại đe dọa chính con người.
Người dân nhận được vô số lợi ích khi bỏ nhựa dùng một lần
“Tôi cho rằng Hà Nội không dùng nhựa một lần là một bước tiến theo xu hướng văn minh của thế giới. Có nước ở châu Phi còn phạt ngay tại sân bay nếu hành khách mang theo túi nilon một lần vào đất nước họ”, PGS Huy Nga nói.
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, việc bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng sẽ có thể khiến một số người cảm thấy bất tiện vì thiếu sự tiện lợi quen thuộc.
“Nhưng không thể vì sự tiện lợi mà chấp nhận đầu độc môi trường và sức khỏe. Chính sự bất tiện này có thể khơi mở ra những sáng tạo mới. Chúng ta cần tập thói quen tiêu dùng bền vững. Bản thân tôi đi chợ cũng đã chuyển sang dùng túi tái sử dụng để giảm rác thải nhựa”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga chia sẻ.
Vị chuyên gia môi trường cho biết, việc giảm rác thải nhựa dùng một lần mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Trước hết là bảo vệ sức khỏe, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại từ nhựa, đặc biệt khi đựng thực phẩm nóng.
Thứ hai, môi trường sống sạch hơn, giảm ô nhiễm không khí, đất và nước, từ đó hạn chế bệnh tật. Ngoài ra, sử dụng các sản phẩm tái sử dụng giúp tiết kiệm chi phí lâu dài và nâng cao ý thức tiêu dùng bền vững. Quan trọng hơn, mỗi người đang góp phần bảo vệ hệ sinh thái và gìn giữ hành tinh cho thế hệ tương lai.
Hoặc