Nhân viên ngân hàng “chuyển nhầm” hơn 70 triệu đồng của khách, sau 2 năm mới phát hiện ra nhưng người nhận không chịu trả lại: Tòa án vào cuộc phân xử

Admin

09/10/2024 16:30

Khi phát hiện ra sai lầm của mình, nữ nhân viên ngân hàng đã liên hệ với người nhận để xin lại tiền đã chuyển nhầm. Tuy nhiên, điều chị nhận được là lời từ chối thẳng thừng từ đối phương.

Mới đây, Tòa án nhân dân quận Hoài Âm, thành phố Hoài An, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, đã xét xử 1 vụ án liên quan đến hành vi cố tình chiếm giữ tiền ngân hàng gửi nhầm. Tình tiết của vụ án khá phức tạp nên được nhiều người dân địa phương quan tâm.

Theo đó, vào tháng 2 năm 2022, anh Hứa đến một ngân hàng ở quận Hoài Âm để gửi tiền tiết kiệm có kỳ hạn. Sau khi xử lý xong khoản tiền gửi cho một khách hàng khác họ Trương, giao dịch viên họ Nghê ngay lập tức xử lý khoản tiền gửi cho anh Hứa. Tuy nhiên vì không để ý, nữ nhân viên này đã chuyển nhầm 20.000 NDT ( hơn 70 triệu đồng) của khách hàng này vào tài khoản của khách hàng họ Trương trước đó. Anh Hứa sau khi nhận sổ tiết kiệm cũng chủ quan không kiểm tra lại nên không hề hay biết tài khoản tiết kiệm của mình mang tên của một người khác.

2 năm sau, khoản tiền gửi của anh Hứa cũng đến ngày đáo hạn. Khi đến ngân hàng rút tiền, người đàn ông này mới phát hiện ra sai sót năm nào của nhân viên ngân hàng đã khiến 20.000 NDT (hơn 70 triệu đồng) của mình “bay” sang tài khoản của người khác. Không những thế, sau khi nhờ nhân viên kiểm tra, anh Hứa dường như chết lặng khi biết cả tiền gốc và lãi của mình đã bị người họ Trương kia rút mất.

Sau khi sự việc vỡ lở, nhân viên họ Nghê đã chủ động liên hệ với khách hàng Trương để giải thích và đàm phán về việc hoàn lại số tiền đã gửi nhầm cho chủ nhân thực sự của nó là anh Hứa. Tuy nhiên, người đàn ông này không có thái độ hợp tác và cũng không muốn trả lại số tiền đã chiếm đoạt trái pháp luật.

Nhân viên ngân hàng “chuyển nhầm” hơn 70 triệu đồng của khách, sau 2 năm mới phát hiện ra nhưng người nhận không chịu trả lại: Tòa án vào cuộc phân xử- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Không tìm thấy tiếng nói chung, chị Nghê quyết định trình báo sự việc cho cảnh sát. Đồng thời, chị Nghê đành tạm ứng tiền túi 21.080 NDT (hơn 74 triệu đồng) đền toàn bộ tiền gốc và lãi cho anh Hứa để giải quyết êm đẹp vụ việc. Mặt khác, người phụ nữ này vẫn tiếp tục thương lượng với anh Trương để đòi lại khoản tiền nói trên nhưng đều bị từ chối. Đường cùng, chị Nghê đã khởi kiện đối phương ra tòa và yêu cầu người này phải trả lại số tiền bất chính đã thu được.

Sau khi xem xét vụ án, Tòa án quận Hoài Âm cho rằng phía bị đơn là anh Trương đã chiếm đoạt tổng cộng là 21.080 NDT từ sai lầm của chi Nghê. Không những thế, bị đơn vẫn không trả lại mặc dù nguyên đơn nhiều lần thúc giục. Tòa án nhận thấy số tiền mà bị đơn nhận được không có cơ sở pháp lý, bị quy về tội chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp và gây thiệt hại kinh tế cho người khác. Do đó, Tòa án ra phán quyết cuối cùng là anh Trương phải hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt lại cho nguyên đơn theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Thẩm phán cũng nhắc nhở rằng khi chuyển tiền, gửi tiền, cả nhân viên ngân hàng và cá nhân đều phải kiểm tra kỹ càng, đặc biệt những thông tin quan trọng như số tài khoản ngân hàng, họ tên, ngày mở tài khoản, lãi suất, ngày đáo hạn… đảm bảo chính xác trước khi tiến hành chuyển hoặc gửi tiền để tránh những rủi ro không đáng có.

Trong trường hợp phát hiện chuyển khoản nhầm tài khoản, người dân cần phải liên lạc kịp thời với ngân hàng để giải quyết. Đồng thời, khách hàng cũng cần lưu giữ hồ sơ giao dịch chuyển khoản, ghi âm cuộc gọi hoặc các bằng chứng cần thiết khác để tránh những tranh chấp không đáng có.

(Theo China court)