Sự hiện diện của TC Group ngày một rõ nét
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank - UPCoM: PGB) vừa công bố thông tin sửa đổi, bổ sung tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024.
Theo đó, ngân hàng dự kiến trình ĐHĐCĐ thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính từ Toà nhà HEAC sang Toà nhà Thành Công (Thành Công Tower) do Toà HEAC hiện đang tu sửa, dự kiến mất nhiều thời gian để hoàn thiện và hiện tại không đáp ứng yêu cầu về đặt trụ sở chính của ngân hàng.
Thông tin giới thiệu trên website của Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ Tài sản Thành Công (PSC) cho thấy Toà nhà HEAC và Toà nhà Thành Công đều do Tập đoàn Thành (Thành Công Tower) công là chủ đầu tư.
Theo đó, Tòa nhà Thành Công được Tập đoàn Thành Công đầu tư với quy mô 40 triệu USD và đi vào hoạt động từ năm 2020.
Trước đó, tại bài viết "PGBank hậu đổi chủ và những bài toán khó giải từ Luật các TCTD", Người Đưa Tin đã thông tin về 2/3 cổ đông chiến lược của PGBank có liên quan đến TC Group.
Đồng thời tại HĐQT PGBank cũng xuất hiện một cái tên mới là là Phó Chủ tịch Đào Phong Trúc Đại. Ông Đào Phong Trúc Đại từng Thành viên HĐQT độc lập của Eximbank, đại diện của nhóm Tập đoàn Thành Công.
Ông Đại từng đảm nhiệm nhiều chức vụ chủ chốt tại các doanh nghiệp "họ" Thành Công như Giám đốc Tài chính CTCP kỹ thuật dịch vụ Thành Công, Tổng Giám đốc CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành công Việt Hưng, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư PV-Inconess…
Lộ diện 2 thành viên bầu bổ sung vào HĐQT
PGBank vừa công bố thông tin về sơ yếu lý lịch của hai ứng viên dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT là bà Cao Thị Thúy Nga và ông Đào Quốc Tính.
Theo đó, ông Đào Quốc Tính sinh năm 1962 tại Thái Bình, trình độ Tiến sĩ kinh tế, Học viện Ngân hàng. Ông Tính đã có gần 40 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Ông đã kinh qua nhiều vị trí tại VietinBank, Agribank.
Ngoai ra, ông đã đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Ngân hàng Nhà nước như Phó Trưởng phòng Thanh toán - Vụ nghiên cứu kinh tế, Phó Trưởng phòng/ Trưởng phòng/ Phó Vụ trưởng phụ trách Kiểm toán nội bộ - Vụ Tổng kiểm soát…
Bà Cao Thị Thúy Nga sinh năm 1958 tại Nam Định, trình độ Thạc sỹ tài chính, Học viện Tài chính. Bà đã có 37 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại BIDV, Public Bank Vietnam, MB và Chứng khoán MB (MBS).
Trước kỳ đại hội bất thường này, dàn nhân sự cấp cao tại PGBank cũng liên tục biến động. Chỉ trong vòng 5 tháng, ngân hàng đã đổi 3 Chủ tịch HĐQT.
Tại đại hội cổ đông bất thường tháng 10/2023, cổ đông PGBank đã bầu bổ sung 5 thành viên HĐQT và 2 thành viên Ban kiểm soát.
Tuy nhiên, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ngân hàng đã thông qua miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của 2 thành viên là ông Nguyễn Thành Lâm (thành viên HĐQT độc lập) và bà Đinh Thị Huyền Thanh. Ngày 25/4, bà Đinh Thị Huyền Thanh cũng xin rút khỏi ghế Tổng Giám đốc PGBank.
PGBank đang kinh doanh ra sao?
Về tình hình kinh doanh, năm 2011, PGBank từng ghi nhận mức lợi nhuận lợi nhuận sau thuế 446 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2012, mức lợi nhuận trên sụt giảm gần 2 lần so với năm trước về còn 240 tỷ đồng.
Thậm chí, nam 2013, lợi nhuận của PGBank còn tụt xuống 38 tỷ đồng. PG Bank lại trải qua chuỗi thời gian kinh doanh lẹt đẹt vài chục tỷ đồng.
Suốt từ năm 2013-2019, mức lãi sau thuế tại PG Bank luôn trồi sụt thất thường nhưng cao nhất cũng chưa đến 150 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2020-2022, mức lợi nhuận sau thuế của ngân hàng cũng cho thấy sự khởi sắc hơn nhưng chưa thể cán mốc 500 tỷ đồng.
Sau khi Petrolimex thoái vốn, PGBank thậm chí báo lỗ sau thuế 4,6 tỷ đồng trong quý IV/2023, cho thấy một kỳ kinh doanh ảm đạm, thụt lùi so với khoản lãi 95 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
PGBank cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý IV/2023 suy giảm là do giảm lãi suất cho vay khách hàng theo chủ trương của Chính phủ trong khi chi phí huy động chưa giảm do có độ trễ và tăng trưởng tín dụng tập trung vào tháng cuối năm 2023.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản ngân hàng tăng 13% so với đầu năm, lên mức 55.495 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng đến 22% đạt hơn 35.000 tỷ đồng. Ở phía nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 14% đạt 35.729 tỷ đồng.
Đáng chú ý về chất lượng nợ vay, Kết thúc năm 2023, tổng nợ xấu của PG Bank là 905 tỷ đồng, tăng 21,5% so với năm trước, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Ngoài ra, sau khi có sự xuất hiện của pháp nhân TC Group, BCTC năm 2023 của PGBank đã ghi nhận dư nợ cho vay đối với bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô của ngân hàng tăng từ 1.700 tỷ đồng (chiếm 5,86% tổng dư nợ) lên 3.905 tỷ đồng (chiếm 11,05% tổng dư nợ).
Trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành tính đến cuối năm 2023 ghi nhận hơn 949 tỷ đồng và kết thúc quý II/2024 là gần 985 tỷ đồng, tăng 3,8%.
Dù vậy, đến nửa đầu năm 2024, nợ xấu của ngân hàng cũng đã cải thiện đáng với tổng nợ xấu 958 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu năm. Tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay giảm từ 2,85% xuống còn 2,61%.
Kết thúc quý II/2024, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 437 tỷ đồng, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm trước. Ngân hàng báo lãi trước thuế đạt 151,5 tỷ đồng, lãi sau thuế tương ứng đạt 121 tỷ đồng, đều tăng nhẹ 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là quý đầu tiên ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng về lợi nhuận kể từ sau sự xuất hiện của nhóm cổ đông mới liên quan tới TC Group. Lũy kế từ đầu năm đến nay, PGBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 815 tỷ đồng, tăng 19,7% so với năm trước.
Do lợi nhuận quý I/2024 sụt giảm so với cùng kỳ nên dù quý II kinh doanh khả quan, ngân hàng vẫn báo lãi trước thuế và lãi sau thuế 6 tháng đầu năm 2024 giảm 7% so với cùng kỳ lần lượt xuống còn 268 tỷ đồng và 214 tỷ đồng.
Năm 2024, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 554 tỷ đồng, tăng 57,7% so với năm 2023. Như vậy, kết thúc quý II/2024, ngân hàng đã thực hiện được 48,3% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.
ĐHĐCĐ bất thường của PGBank dự kiến sẽ được tổ chức vào sáng ngày 26/8 tại Khách sạn The Five Residences Hà Nội, số 345 Đội Cấn, phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Tp.Hà Nội.
Hoặc