Năm 2023, câu chuyện một nữ sinh 18 tuổi ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, thi đỗ vào đại học hàng đầu nhưng bị chính mẹ ruột ngăn cản không cho nhập học đã gây xôn xao dư luận.
Nhân vật chính trong câu chuyện này là Gia Gia (tên nhân vật đã được thay đổi), sống tại Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên. Ngay từ nhỏ, nữ sinh này đã bộc lộ niềm đam mê đặc biệt với nghệ thuật biểu diễn. Với tình yêu sân khấu mãnh liệt, cô nuôi giấc mơ trở thành diễn viên và từng bước nỗ lực theo đuổi mục tiêu của mình.
Để thực hiện ước mơ này, Gia Gia chủ động tham gia các lớp học nghệ thuật, đào tạo diễn xuất, vừa học văn hóa vừa trau dồi kỹ năng sân khấu trong nhiều năm. Sự kiên trì đó đã được đền đáp khi vào năm 2023, cô xuất sắc vượt qua kỳ thi tuyển sinh khắc nghiệt để đỗ vào Học viện Hý kịch Trung ương – một trong hai ngôi trường danh giá bậc nhất về đào tạo diễn viên tại Trung Quốc, bên cạnh Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.
Với nhiều bạn trẻ đam mê nghệ thuật, tấm vé vào ngôi trường này chính là bước đệm quan trọng để vươn tới ước mơ. Còn với Gia Gia, đây là cơ hội để cô thay đổi cuộc đời. Tuy nhiên, vào đúng ngày chuẩn bị lên đường nhập học, biến cố bất ngờ ập đến.
Hôm đó, Gia Gia phát hiện toàn bộ giấy tờ quan trọng như giấy báo nhập học, căn cước công dân, sổ hộ khẩu đều biến mất. Không những vậy, điện thoại cá nhân, thẻ ngân hàng cho tới cả số tiền trong ví của nữ sinh này cũng bị mẹ lấy đi. Trên bàn học của cô chỉ còn lại một mẩu giấy với dòng chữ ngắn gọn: “Mẹ xin lỗi con”.
Không thể liên lạc được với mẹ, Gia Gia gọi điện cho bố. Thế nhưng, thay vì giúp đỡ con gái, cha cô chỉ thở dài và khuyên cô nên từ bỏ Học viện Hý kịch Trung ương. Cha mẹ Gia Gia đều cho rằng cô nên ôn luyện lại để thi vào đại học năm sau. Những lời nói của cha khiến nữ sinh này hoàn toàn suy sụp.
Hóa ra, nguyên nhân đằng sau sự cấm cản này xuất phát từ kỳ vọng của cha mẹ Gia Gia – đặc biệt là người mẹ. Bà không tin rằng nghề diễn viên có thể mang lại cho con gái một tương lai ổn định. Thay vào đó, bà mong Gia Gia trở thành giáo viên - một nghề mà theo bà có thể khiến gia đình “ngẩng mặt lên được với xóm làng”.

Ảnh minh họa: Internet
Thực tế, ngay từ giai đoạn nộp nguyện vọng, mẹ của Gia Gia đã âm thầm “giúp” con gái đăng ký toàn bộ vào các trường sư phạm địa phương – nơi miễn học phí và ký túc xá. Tuy nhiên, khi phát hiện chuyện này, Gia Gia đã lén thay đổi nguyện vọng vào phút chót và trúng tuyển Học viện Hý kịch Trung ương.
Khi phát hiện con gái “tự ý thay đổi kế hoạch”, bà mẹ quyết định ra tay ngăn chặn. Bà giấu toàn bộ giấy tờ và tiền bạc, cắt mọi phương tiện liên lạc nhằm buộc Gia Gia từ bỏ giấc mơ sân khấu.
Bị dồn vào đường cùng, Gia Gia quyết định trình báo sự việc cho cảnh sát. Thế nhưng vì đây là mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, lực lượng chức năng không thể can thiệp trực tiếp. Vì vậy, họ khuyên cô nên liên hệ với nhà trường để trình bày rõ hoàn cảnh.
May mắn đã mỉm cười với Gia Gia. Khi biết được toàn bộ câu chuyện, ban giám hiệu Học viện Hý kịch Trung ương cho biết họ rất cảm động và không thể làm ngơ trước sự quyết tâm của nữ sinh này.
Sau đó, nhà trường quyết định hỗ trợ Gia Gia hoàn tất thủ tục nhập học. Cô chính thức trở thành tân sinh viên của ngôi trường danh giá, tiếp tục theo đuổi giấc mơ làm nghệ sĩ.
Câu chuyện của Gia Gia sau khi lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc đã nhanh chóng thu hút sự chú ý lớn của dư luận, tạo nên làn sóng tranh cãi trái chiều. Dù có nhiều quan điểm khác nhau, song phần lớn ý kiến đều bày tỏ sự ủng hộ đối với quyết tâm theo đuổi ước mơ của nữ sinh, đồng thời chỉ trích hành động cực đoan và áp đặt của người mẹ. Hành động tuy xuất phát từ tình thương nhưng cách thể hiện lại vô tình tước đoạt quyền tự quyết và khát vọng chính đáng của con mình.
Có thể thấy trên hành trình trưởng thành của con, cha mẹ nên đóng vai trò là người đồng hành và hỗ trợ, thay vì áp đặt hay thay con lựa chọn tương lai. Bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh cũng cần được giải quyết bằng đối thoại và sự thấu hiểu từ cả hai phía, thay vì hành động từ một phía như bà mẹ trong câu chuyện trên.
(Theo Sohu)
Hoặc