Theo Sohu, ông Dương (tên nhân vật đã được thay đổi) và ông Phàn là bạn học cùng đại học vào những năm 1950. Tình bạn ấy kéo dài hàng thập kỷ và đặc biệt thân thiết kể từ khi ông Dương trở về Thượng Hải vào những năm 1980. Khi ấy, ông Phàn sống một mình, không có thân nhân tại địa phương. Ông Dương nhiều lần hỗ trợ bạn trong các vấn đề đời sống như chuyển nhà, mua bán bất động sản và sau này còn đảm nhận vai trò người giám hộ.
Năm 2015, khi ông Phàn chuyển vào viện dưỡng lão do tuổi cao sức yếu, ông Dương tiếp tục đồng hành, chăm sóc bạn mình như một người thân thực thụ. Ông Phàn sau đó lập nhiều bản di chúc và tuyên bố viết tay, trong đó chỉ định ông Dương là người giám hộ và thừa kế tài sản của mình.
Cụ thể, vào tháng 3/2016, ông Phàn lập một bản di chúc viết tay với nội dung ghi rõ: sau khi ông qua đời, toàn bộ tài sản còn lại sẽ được trao cho người giám hộ là ông Dương để toàn quyền quản lý và xử lý theo ý nguyện.
Tháng 3/2019, ông Phàn viết thêm một bản tuyên bố, trong đó ông khẳng định: “Tôi là người già sống đơn thân, không có thân nhân ở Thượng Hải. Trong nhiều năm qua, bạn học cũ của tôi là ông Dương đã là người giám hộ, kể cả khi tôi vào viện dưỡng lão năm 2015. Khi tôi qua đời, xin hãy để ông Dương có mặt, thông báo cho người thân ở xa và xử lý mọi tài sản cá nhân của tôi. Nếu tôi có tiền tiết kiệm và sản Phàn tài chính, xin giao cho ông Dương xử lý theo di chúc riêng.”
Đến tháng 4/2019, ông Phàn tiếp tục lập một bản di chúc viết tay khác, khẳng định toàn bộ tài sản của ông (bao gồm tiền mặt, sản Phàn tài chính…) sau khi qua đời sẽ do ông Dương toàn quyền quản lý, và không ai khác được can thiệp. Các văn bản này đều được viết tay, ký tên, ghi rõ ngày tháng và lưu trữ tại viện dưỡng lão nơi ông Phàn cư trú. Nhân viên viện dưỡng lão cũng xác nhận đã nhận được bản tuyên bố năm 2019 và giữ trong hồ sơ.

Ảnh minh hoạ: Sohu
Tháng 8/2019, ông Phàn qua đời tại viện dưỡng lão, không có thông tin về người thân nào có thể liên lạc. Các giấy tờ khác như giấy chứng nhận độc thân (năm 2004) và giấy xác nhận không đăng ký kết hôn (năm 2007) cũng cho thấy ông Phàn không có vợ con hay thân nhân trực hệ. Dựa trên các di chúc và văn bản được để lại, ông Dương, lúc này đã 90 tuổi, với tư cách người thi hành di chúc, đã đến ngân hàng rút số tiền tiết kiệm 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng) do ông Phàn đứng tên. Tuy nhiên, ngân hàng từ chối giao dịch vì không thể xác nhận bản di chúc viết tay là hợp lệ.
Thấy vậy, ông Dương khởi kiện ngân hàng và nộp hàng loạt bằng chứng gồm các bản di chúc viết tay, giấy chứng tử, giấy chứng nhận độc thân, thư luật sư, sổ tiết kiệm, biên bản từ viện dưỡng lão,... để chứng minh tính hợp pháp của di chúc.
Tại tòa, đại diện ngân hàng cho biết họ không có khả năng xác minh tính xác thực của di chúc vì không tham gia vào quá trình lập văn bản này. Tuy nhiên, họ cam kết sẽ tuân thủ phán quyết của tòa nếu tòa xác định di chúc là hợp pháp.
Sau khi xem xét toàn bộ bằng chứng, tòa án địa phương kết luận bản di chúc viết tay tháng 4/2019 đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý: được lập trong tình trạng minh mẫn, có chữ ký, ghi ngày tháng rõ ràng và không có dấu hiệu bị cưỡng ép. Không có bằng chứng nào chứng minh di chúc là giả mạo hoặc không phản ánh ý chí thật sự của người lập. Từ đó, tòa xác định ông Dương là người được chỉ định toàn quyền quản lý tài sản của ông Phàn sau khi người này qua đời, bao gồm số tiền gửi tại ngân hàng. Do đó, ông Dương có quyền hợp pháp yêu cầu ngân hàng thanh toán toàn bộ số tiền gốc và lãi phát sinh.
Cuối cùng, tòa án địa phương ra phán quyết yêu cầu ngân hàng phải trả cho ông Dương toàn bộ số tiền gửi 300.000 NDT và khoản lãi tương ứng trong vòng 10 ngày kể từ khi bản án có hiệu lực. Sau khi nhận được tiền, ông Dương sẽ chịu trách nhiệm xử lý và phân phối tài sản theo đúng nội dung di chúc của ông Phàn. Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo Sohu)
Hoặc