Ông Lê Viết Hải: HBC đã qua thời kỳ khó khăn nhất

17/05/2024 10:20

Ông Lê Viết Hải nhận định Hòa Bình đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Đây là thời điểm chín muồi để tập đoàn bắt đầu chu kỳ mới và tập trung phát triển thị trường nước ngoài.

Chiều 25/4, Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HoSE: HBC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 theo hình thức trực tuyến.

Tại đại hội, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT - khẳng định tập đoàn đã trải qua những gì khó khăn nhất. Trong thời gian tới, công ty sẽ tập trung tăng trưởng ở thị trường nước ngoài, đưa thị trường này trở thành thị phần chính cho tập đoàn.

Tập trung thị trường nước ngoài

Theo ông Hải, Xây dựng Hòa Bình sẽ không thể duy trì tốc độ tăng trưởng như giai đoạn trước nếu chỉ tập trung ở thị trường trong nước. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã có đầy đủ cơ cở để hoàn thành mục tiêu đề ra.

"Chi phí xây dựng ở Việt Nam rất cạnh tranh so với các quốc gia khác, sự cạnh tranh sẽ giúp chúng ta xâm nhập thị trường mới dễ dành hơn. Hiện tại, cơ hội phát triển tại thị trường nước ngoài đã chín muồi, chúng tôi đã có những hợp đồng tổng thầu đầu tiên, dù quy mô không lớn nhưng rất quan trọng", ông Hải chia sẻ.

Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC, khẳng định những gì khó khăn nhất của doanh nghiệp đã được ghi nhận trong năm 2023, đến Tết Nguyên đán vừa qua, khi thực hiện nhiều giải pháp, công ty đã cân đối được dòng tiền và đã trả lương hết cho nhân viên.

"Hiện nay, công ty hoạt động bình thường, không có gì lo lắng, mỗi dự án chạy một tài khoản riêng, dự án nào chậm dòng tiền sẽ ngưng xây dựng, không ảnh hưởng đến các dự án khác, đảm bảo công ty được hoạt động liên tục", ông Nam khẳng định.

co phieu hbc,  le van nam anh 1

Chủ tịch HĐQT HBC - ông Lê Viết Hải - chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông chiều 25/4.

Lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng này cho biết đến quý I năm nay, công ty đã có lãi 56 tỷ đồng. Một số chủ đầu tư cũng đã mời Hòa Bình tham gia đấu thầu và công ty đã trúng thầu một số dự án mới. Trong năm 2024, công ty sẽ không mất thanh khoản và sẽ quay lại mạnh mẽ hơn.

Hòa Bình khẳng định mục tiêu khôi phục vị thế trong 3 năm tới, lấy lại vị trí số 1 về thầu xây dựng tại thị trường trong nước.

"HBC đặt mục tiêu tăng trưởng dự kiến đến 2032 doanh thu xấp xỉ 20 tỷ USD, lợi nhuận đạt khoảng 1 tỷ USD. Để đạt được tăng trưởng như vậy, nhất định tập đoàn phải vươn ra biển lớn, có quy mô gấp 40-50 lần trong nước. Sau 12 năm miệt mài phân tích, nghiên cứu, HBC đã có kết quả tích cực ở thị trường Mỹ", ông Lê Viết Hải chia sẻ.

Tăng vốn chủ sở hữu gấp 48 lần

Để đưa công ty trở lại mạnh mẽ hơn, CEO Lê Văn Nam cho rằng việc tăng vốn chủ sở hữu là một yếu tố then chốt.

Theo ông, ROE hiện tại của doanh nghiệp đang ở mức âm do kéo dài thua lỗ trong 2 năm. Do đó, việc hoán đổi nợ, tăng vốn chủ sở hữu là rất cần thiết. Tại đại hội, ông Nam trình bày 8 giải pháp để nâng vốn chủ sở hữu từ 149 tỷ đồng lên 4.765 tỷ đồng trong năm 2026. Đồng thời, nếu tính cả đợt phát hành 200 triệu cổ phiếu, vốn chủ sở hữu sẽ tăng lên mức 7.165 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm giải pháp đầu tiên sẽ là thu hồi lợi nhuận. Cụ thể, HBC lên kế hoạch bán thiết bị xây dựng đã khấu hao toàn bộ với khoản lợi nhuận dự kiến thu về 400 tỷ đồng, thời gian hoàn thành trong quý IV/2024. Đồng thời, bàn giao 2 dự án Lake Side và Asscent Nơ Trang Long, lần lượt mang về 72 tỷ và 500 tỷ đồng lợi nhuận, ghi nhận doanh thu trong quý II này.

Đối với nhóm giải pháp hoán đổi nợ, ông Nam nhận định đây là giải pháp căn cơ và rất hiệu quả. Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch từ việc hoán đổi 740 tỷ đồng nợ, giải pháp này giúp doanh nghiệp giảm được nợ và tăng vốn chủ sở hữu.

KẾ HOẠCH TĂNG VỐN CHỦ SỞ HỮU SAU KHI PHÁT HÀNH 200 TRIỆU CỔ PHIẾU CỦA HBC
Dữ liệu: HBC.
NhãnHiện tạiKế hoạch 2024Kế hoạch 2025Kế hoạch 2026
Vốn chủ sở hữu Tỷ đồng 149135757797165

Ông Hải cho biết đến nay đã có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất đồng ý hoán đổi nợ bằng cổ phiếu HBC, giá trị đạt 821 tỷ đồng. Trong khi theo phương án phát hành đã được thông qua, chỉ có tối đa 100 cổ đông được tham gia hoán đổi nợ, tổng giá trị dự kiến phát hành không vượt quá 740 tỷ đồng.

Giải pháp thứ 3 là M&A các dự án bất động sản bằng cách phát hành cổ phiếu cho đối tác. Trong đó, doanh nghiệp đang có kế hoạch M&A dự án 127 An Dương Vương và Resort Hải Lưu, với số vốn tăng lần lượt 564 tỷ và 800 tỷ đồng.

"Việc này sẽ giúp tăng tài sản cho tập đoàn, sau khi triển khai và hoàn thành, HBC sẽ bán ra, qua đó giúp tăng lợi nhuận. Tôi đồng ý điều này sẽ có sự pha loãng cổ phiếu nhưng về tổng thể tài sản HBC sẽ được tăng lên và có cơ hội tăng thêm lợi nhuận" ông Nam nói.

Liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược có thể khiến cổ phiếu bị pha loãng, làm giảm tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch Lê Viết Hải giống với trường hợp của Coteccons, ông Nam cho rằng Chủ tịch HĐQT không ngại vấn đề này vì ông Hải luôn nghĩ cho đại cuộc, đặt lợi ích của tập đoàn lên trên hết.

Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.