Vừa gửi tiết kiệm, bất ngờ nhận 200 tin nhắn trừ tiền
Vụ việc xảy ra vào năm 2016 tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ông Trịnh, một người đàn ông làm ăn phát đạt, quyết định gửi khoản tiền 6 triệu NDT (khoảng 21 tỷ đồng) vào ngân hàng để tiết kiệm, chờ thời cơ đầu tư để tiếp tục đầu tư.
Sau khi tìm hiểu kỹ, ông Trịnh chọn một ngân hàng lớn, có uy tín tại địa phương để gửi tiền. Ông Trịnh cho biết, các nhân viên ngân hàng đều rất chuyên nghiệp, hỗ trợ ông nhiệt tình trong suốt quá trình mở tài khoản và thực hiện các thủ tục cần thiết. Mọi thủ tục diễn ra nhanh chóng và thuận lợi.
Sau khi hoàn tất việc gửi tiền, ông Trịnh được cấp một thiết bị để nhận mã OTP (mã xác nhận giao dịch). Nhân viên ngân hàng cho biết, thiết bị này giúp tăng cường bảo mật, hạn chế các rủi ro từ virus, phần mềm độc hại hay các hình thức tấn công mạng vào điện thoại. Nghe được điều đó, ông Trịnh cảm thấy vô cùng hài lòng với khả năng bảo mật của ngân hàng này.
Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi rời khỏi phòng giao dịch và đến một nhà hàng gần đó để ăn trưa, ông bất ngờ nhận được tin nhắn từ ngân hàng báo rằng tài khoản của mình vừa chi tiêu 20.000 NDT (hơn 69 triệu đồng). Ban đầu, ông nghĩ đây là tin nhắn nhầm hoặc tin rác nên không mấy bận tâm.
Thế nhưng, chỉ trong vòng 15 phút sau, điện thoại ông Trịnh liên tục rung lên với hơn 200 tin nhắn báo trừ tiền, mỗi giao dịch đều có giá trị 20.000 NDT. Lúc này, ông mới hoảng hốt, bỏ dở bữa trưa và tức tốc quay trở lại ngân hàng.
Tài khoản chỉ còn 0 đồng và thủ đoạn chiếm đoạt tinh vi
Khi ông Trịnh tới ngân hàng yêu cầu kiểm tra, tài khoản tiết kiệm trị giá 6 triệu NDT của ông đã không còn đồng nào. Nhân viên ngân hàng cho biết không rõ nguyên nhân và khẳng định những giao dịch được ghi nhận là "chi tiêu bình thường", không liên quan gì đến hệ thống ngân hàng. Họ từ chối trách nhiệm và đề nghị ông Trịnh quay về chờ kết quả kiểm tra, cam kết sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất.

(Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, sau hơn 10 ngày chờ đợi mà không nhận được bất kỳ phản hồi nào, ông Trịnh quyết định liên hệ với phóng viên và trình báo vụ việc cho cảnh sát địa phương tỉnh Quảng Đông. Khi phóng viên cùng lực lượng chức năng quay trở lại ngân hàng cùng ông Trịnh để làm rõ, đại diện ngân hàng mới chịu hợp tác và cung cấp thông tin chi tiết về các giao dịch bất thường.
Theo kết quả kiểm tra, toàn bộ số tiền trong tài khoản của ông Trịnh đã được chuyển sang một tài khoản khác đứng tên một công ty tại Thượng Hải. Tuy công ty này có đầy đủ thông tin đăng ký kinh doanh và trụ sở rõ ràng, nhưng thực tế đã ngừng hoạt động từ một năm trước.
Tiếp tục điều tra sâu, cảnh sát phát hiện số tiền bị chuyển đi không theo hình thức chuyển khoản thông thường, mà thông qua giao dịch máy POS - thiết bị dùng để thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại các cửa hàng. Bằng cách này, các giao dịch được hệ thống ngân hàng ghi nhận như những lần chi tiêu hợp pháp, không bị coi là hành vi chuyển tiền bất thường. Không chỉ ông Trịnh là nạn nhân, nhiều người khác cũng từng bị đánh cắp tiền trong tài khoản qua hình thức tương tự.
Ngay sau khi xác định được danh tính nhóm đối tượng, cảnh sát Quảng Đông đã phối hợp với lực lượng chức năng tại Thượng Hải bắt giữ toàn bộ nghi phạm liên quan. Tuy nhiên, do số tiền đã nhanh chóng bị tẩu tán, việc thu hồi toàn bộ tài sản bị chiếm đoạt vô cùng khó khăn.
Ông Trịnh cho rằng ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng như vậy, đặc biệt là trong khi bản thân ông không hề thực hiện bất kỳ giao dịch chi tiêu nào. Cuối cùng ngân hàng đã chấp nhận hòa giải và bồi thường một phần số tiền đã mất cho ông Trịnh.
(Theo Baijiahao)
Hoặc