Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

18/11/2024 12:13

Sốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.

Ngày 17/11, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 xác nhận, đơn vị đang điều trị cho bệnh nhân N.N.T. (SN 1982, trú huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bị dương tính với Burkholderi pseudomallei (Whitmore). Sau thời gian điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tiếp tục được theo dõi.

Trước đó, anh N.N.T. nhập viện tại khoa Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 với triệu chứng sốt cao. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh hạ sốt, làm các xét nghiệm nhưng sốt không hạ.

Bác sĩ điều trị sau đó tiếp tục chỉ định chụp MRI khớp háng trái, phát hiện bệnh nhân T. bị viêm khớp háng trái không rõ nguyên nhân. Sau khi chuyển đến khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình ngày 30/10, anh T. được làm xét nghiệm máu, kết quả (ngày 1/11) cho thấy dương tính với Whitmore.

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore- Ảnh 1.

Bác sĩ đang thực hiện thăm khám và điều trị cho bệnh nhân T. (Ảnh: BVCC)

Whitmore có nhiều thể, mỗi thể lại có phác đồ điều trị khác nhau. Bệnh nhân T. bị thể viêm xương tủy xương, ít gặp.

Từ khi vào viện, anh T. được theo dõi và làm các xét nghiệm liên quan. Bệnh nhân điều trị theo phác đồ Whitmore giảm sốt và giảm đau khớp háng, qua một tuần đã hạ sốt, hết đau. Sau khi kết thúc điều trị tại bệnh viện, về nhà bệnh nhân vẫn sẽ điều trị bằng thuốc uống trong 6 tháng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, bệnh nhân T. khởi phát bệnh trước ngày nhập viện 7 ngày với dấu hiệu sốt cao không hạ. Bệnh nhân đi khám tại phòng khám tư nhân, được cấp thuốc uống điều trị nhưng tình trạng không đỡ. Sau đó, người nhà lo lắng nên đưa đến khám và nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.

Trong vòng 14 ngày trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhân sinh sống và làm việc tại địa phương, không đi đâu xa. Người nhà, khu vực xung quanh không ghi nhận ca bệnh liên quan, không xác định được nguồn lây. Bệnh nhân thường ngày chỉ đi làm thợ xây, xung quanh nhà cao ráo không bị ngập lụt.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên.

Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất, đặc biệt bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất vào mùa mưa. Người nhiễm bệnh Whitmore có tỷ lệ tử vong từ 40 - 60%. Trường hợp nhiễm khuẩn cấp có thể tử vong trong vòng 1 tuần kể từ khi phát bệnh.