TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 10% năm 2025

Admin

28/12/2024 04:02

Kinh tế TP.HCM năm 2024 phục hồi tích cực với GRDP dự kiến tăng 7,17%. Năm 2025, TP cho biết sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu đạt tăng trưởng trên 10%.

Kinh tế TP.HCM trong năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Ảnh: Quỳnh Danh.

UBND TP.HCM vừa công bố dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2025.

Theo báo cáo, kinh tế TP.HCM trong năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý I tăng 6,79%, quý II tăng 6,53%, quý III tăng 7,36%, và quý IV ước đạt 7,92%.

TP.HCM dự kiến tăng trưởng 7,17% năm 2024

Nhìn chung, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 dự kiến tăng 7,17% so với năm 2023, trong đó khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,12%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,89%, khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,7% và thuế sản phẩm tăng 5,14%.

Đối với lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của TP.HCM tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%.

Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM qua các cửa khẩu cả nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 8% so với năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 58,6 tỷ USD, tăng 6%.

Đối với ngành du lịch, tổng doanh thu năm 2024 toàn TP dự kiến đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 19%. Lượng khách du lịch nội địa đạt 38 triệu lượt, tăng 9% và khách quốc tế ước đạt 6 triệu lượt, tăng 20%.

GRDP anh 1

Tổng doanh thu du lịch năm 2024 của TP.HCM dự kiến đạt 190.000 tỷ đồng. Ảnh: Linh Huỳnh.

Về hoạt động ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM năm 2024 ước đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10%. Tổng dư nợ tín dụng cũng đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10%.

Trong lĩnh vực công nghiệp, TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu, góp phần tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lên 7,3%. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 29%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5%, sản xuất và phân phối điện tăng 11%, và cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 5%.

Về đầu tư công, tính đến ngày 29/11, TP.HCM đã giải ngân được 19.723 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn được giao. Dự kiến, đến hết tháng 12/2024, mức giải ngân sẽ đạt 60.944 tỷ đồng và đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) đạt 64.528 tỷ đồng, tương đương trên 81% kế hoạch năm.

TP cho biết địa phương gặp một số khó khăn khiến tiến độ giải ngân chậm bao gồm các thay đổi pháp luật liên quan, vướng mắc trong thủ tục giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, cùng với sự phụ thuộc vào các bộ, ngành trung ương trong giải quyết thủ tục.

Về tình hình doanh nghiệp, năm 2024, TP.HCM dự kiến có khoảng 52.500 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký ước đạt 400.000 tỷ đồng, giảm 1% về số lượng và giảm 17% về vốn đăng ký.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp giải thể dự kiến tăng 4% lên 4.200 doanh nghiệp và 32.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 17%. Dù vậy, TP có 15.800 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21%.

Đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 10% năm tới

Năm 2025, TP.HCM cho biết sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm với kết quả cao nhất, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%.

Bên cạnh đó, TP sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2025, đồng thời tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo Trung ương. Việc này sẽ gắn với rà soát, đổi mới thể chế, sàng lọc đội ngũ và củng cố hiệu quả quản lý để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đặc biệt, TP sẽ tập trung huy động các nguồn lực, triển khai chủ trương xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Các chương trình, đề án và dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên triển khai, bao gồm: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; các Dự án Vành đai 2, 3, 4; Chương trình phát triển Trung tâm Logistics; Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Quốc tế; Đề án chống ngập và xử lý nước thải; và Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030...

TP cũng sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững dựa trên đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, kinh tế số, kinh tế xanh và nông nghiệp đô thị hiện đại cũng sẽ được tập trung phát triển.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển TP sẽ được thực hiện theo hướng liên kết vùng, gắn với chỉnh trang đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại cũng là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo nền tảng phát triển lâu dài.

TP.HCM cũng sẽ tiếp tục triển khai mô hình Chính quyền đô thị và các cơ chế chính sách đặc thù, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển. Việc cải cách hành chính sẽ được thực hiện đồng bộ với nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của nền công vụ.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.

Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Bạn đang đọc bài viết "TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng hơn 10% năm 2025" tại chuyên mục Tài chính.