Theo tài liệu của cơ quan Công an, trước đó, ngày 7/12, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của anh L.X.H. (SN 1984, trú ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) về việc bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán và bị lừa đảo chiếm đoạt tổng số tiền hơn 3,8 tỷ đồng…
Sau khi tiếp nhận tin báo, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh và thấy rằng các đối tượng liên quan đến vụ việc cư trú nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, trong đó có cả người nước ngoài.
Các đối tượng và tang vật liên quan vụ án. |
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chỉ trong thời gian ngắn tập trung rà soát, truy vết các thông tin, tài liệu, Phòng Cảnh sát hình sự đã điều tra, làm rõ và bắt giữ 8 đối tượng trong đường dây lừa đảo tham gia đầu tư sàn giao dịch chứng khoán, gồm: Guo Jinguang (tên gọi khác là Quách Kim Quang, SN 1983 ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc); Lương Vỹ Hào (SN 1994, ở quận Tân Phú, TP.HCM); Trần Thị Cẩm Ngân (SN 1995); Lê Kỳ Nguyên (SN 1996, đều ở huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang); Nguyễn Văn Thúy (SN 1987); Làu Nhật Quý (SN 2000); Nguyễn Thị Thanh Thiện (SN 1986, đều ở quận Tân Bình, TP.HCM) và Nguyễn Ngọc Tường Vy (SN 1999, ở huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận).
Kết quả điều tra ban đầu xác định Guo Jinguang cấu kết với một đối tượng người Trung Quốc khác đang hoạt động tại Campuchia thành lập các công ty với mục đích mở tài khoản ngân hàng để nhận, che giấu dòng tiền cho hoạt động lừa đảo. Sau đó, Guo Jinguang nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam và thông qua 2 phiên dịch là Trần Thị Cẩm Ngân và Làu Nhật Quý để tìm kiếm người Việt Nam mở nhiều tài khoản và bán cho đối tượng người Trung Quốc hoạt động tại Campuchia.
Tại cơ quan Công an, đối tượng Guo Jinguang khai nhận đã thống nhất với đối tượng người Trung Quốc đang hoạt động tại Campuchia chỉ đạo việc thuê người Việt Nam đứng ra thành lập doanh nghiệp, công ty nhưng không có hoạt động sản xuất, kinh doanh mà nhằm mục đích rửa tiền. Đồng thời, mở nhiều tài khoản ngân hàng (gồm tài khoản cá nhân và doanh nghiệp, công ty vì thông tin doanh nghiệp có thể tra cứu qua internet, tạo niềm tin cho bị hại khi chuyển tiền) để nhận tiền, chuyển tiền lừa đảo từ các bị hại Việt Nam, trong đó có công ty TNHH Thương mại quốc tế MEI YUE. Quá trình chuyển tiền, Guo Jinguang chịu trách nhiệm từ việc cung cấp tài khoản, theo dõi dòng tiền, đưa các chủ tài khoản sang biên giới để tiến hành sinh trắc - xác thực giao dịch chuyển tiền tại Campuchia.
Hoạt động lừa đảo của các đối tượng được tách biệt thành 2 bộ phận, gồm: đưa thông tin gian dối để lừa đảo gọi mời tham gia đầu tư vào sàn giao dịch chứng khoán và tạo các tài khoản, công ty để che giấu dòng tiền, tránh rủi ro khi bị cơ quan chức năng phát hiện, 2 bộ phận này hoạt động đồng thời, song song và có sự phối hợp nhịp nhàng trong cả quá trình lừa đảo.
Qua vụ án trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo, để tránh bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi đầu tư chứng khoán, đa cấp, tiền ảo... vào các sàn giao dịch chứng khoán trực tuyến trên mạng không rõ thông tin hoặc thông tin có dấu hiệu bị giả mạo. Trước khi đầu tư, phải tìm hiểu kỹ thông tin về sàn giao dịch, đặc biệt là các sàn đầu tư đăng tải địa chỉ ảo, không có thật hoặc giả mạo của sàn đầu tư chính thống.
Người dân cần nâng cao cảnh giác khi giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, làm theo hướng dẫn khi chưa xác định chính xác nhân thân, lai lịch của người đó. Chỉ đầu tư vào các sàn giao dịch chính thống đã được cơ quan Nhà nước cấp phép hoạt động. Trước khi đầu tư nên đến trực tiếp văn phòng của các phòng giao dịch để được tư vấn, hỗ trợ và kiểm chứng thông tin.
Theo Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay, tại Việt Nam chỉ có 3 sàn giao dịch chứng khoán, gồm: Sàn HNX, Hose và UpCom; các công ty chứng khoán nhiều phổ biến, gồm: SSI, PVS, FPTS, HCM… Đến nay, chưa có bất cứ đơn vị nào là đại lý chứng khoán quốc tế tại Việt Nam. Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán, nên mọi giao dịch tiền ảo trên Internet đều bất hợp pháp và có nguy cơ bị lừa đảo rất cao. Vì vậy, người dân cần cảnh giác và tỉnh táo khi tham gia sàn giao dịch này.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam" cung cấp những quan điểm khoa học pháp lý về kinh doanh bất động sản du lịch ở Việt Nam, thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật về kinh doanh bất động sản du lịch, từ đó đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện pháp luật, góp phần phát triển thị trường bất động sản du lịch.
Hoặc