Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ nhưng khó kích thích ồ ạt

Admin

22/12/2024 08:13

Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ thể hiện sự nhận thức về những áp lực kinh tế nhưng cũng là một sự kiềm chế chiến lược trong việc triển khai kích thích mạnh mẽ.

Tòa nhà Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tại Bắc Kinh. Ảnh: Bloomberg.

Ngày 9/12, chính quyền Trung Quốc gây chú ý khi lần đầu tiên kể từ năm 2010 phát tín hiệu thay đổi lập trường chính sách tiền tệ. Động thái này phản ánh những thách thức kinh tế sâu sắc mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng một gói kích thích quy mô lớn như thời kỳ trước là điều khó xảy ra, theo CNBC.

Từ “thận trọng” sang “nới lỏng vừa phải”

Năm 2024, Trung Quốc dự định thay đổi chính sách tiền tệ từ “thận trọng” sang “nới lỏng vừa phải” - cụm từ chỉ xuất hiện lần cuối vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Khi đó, Trung Quốc đã sử dụng chính sách này để hỗ trợ nền kinh tế trước cú sốc toàn cầu và duy trì đến năm 2010.

Larry Hu, nhà kinh tế trưởng tại Macquarie cho rằng đây là bước khởi đầu cho một chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới. “Giọng điệu này cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang lo lắng về triển vọng kinh tế, với nhu cầu nội địa yếu và nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại”, ông nhận xét.

Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp kích thích từ cuối tháng 9, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đối mặt với áp lực giảm phát do tiêu dùng chậm chạp và khủng hoảng kéo dài trong lĩnh vực bất động sản.

“Khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hiện nay bị giới hạn hơn nhiều so với 15 năm trước”, Tao Wang, Trưởng bộ phận kinh tế châu Á và chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng đầu tư UBS nhận định. Bà dự báo chính sách lãi suất của Trung Quốc có thể giảm hơn 50 điểm % trong vòng hai năm tới.

Thận trọng hơn so với 14 năm trước

So với cuộc khủng hoảng năm 2008, khả năng triển khai các biện pháp nới lỏng mạnh tay hiện nay của Bắc Kinh đã bị thu hẹp đáng kể.

Tháng 11/2008, Trung Quốc đã công bố gói kích thích trị giá 4.000 tỷ nhân dân tệ (586 tỷ USD) - tương đương 13% GDP cùng năm - nhằm duy trì tăng trưởng và giảm bớt tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tồi tệ nhất trong hơn 70 năm.

Khi áp dụng lập trường “nới lỏng vừa phải” vào năm 2008, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm tổng cộng 156 điểm % và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 1,5 điểm % trong chu kỳ nới lỏng, Ming Ming - cựu quan chức tại bộ phận chính sách tiền tệ PBoC chia sẻ với tờ Economic Observer.

Tháng trước, Trung Quốc đã công bố gói kích thích 5 năm trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (gần 1.400 tỷ USD) để giải quyết vấn đề nợ chính quyền địa phương, đồng thời báo hiệu sẽ có thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế vào năm tới. Ting Lu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura cho biết, con số này hiện chỉ bằng 2,5% GDP hàng năm của Trung Quốc.

Chương trình hoán đổi nợ cần được mở rộng đáng kể để bù đắp khoản nợ của các chính chính quyền địa phương, vốn chiếm gần một nửa GDP Trung Quốc, các nhà kinh tế tại Morgan Stanley nhận định.

Morgan Stanley dự đoán thâm hụt tài khóa của chính phủ trung ương sẽ tăng thêm 1,4 điểm % vào năm tới khi chính phủ tăng vay nợ để hỗ trợ nền kinh tế. Trung Quốc đang duy trì mục tiêu thâm hụt tài khóa ở mức 3% trong năm nay.

kinh te Trung Quoc anh 1

Dự án tàu trên cao dang dở tại thành phố Liễu Châu, Trung Quốc. Ảnh: WSJ.

Mặc dù cần kích thích kinh tế, các hành động của PBoC bị hạn chế. Ngân hàng trung ương nước này đã thận trọng với việc cắt giảm lãi suất do lo ngại về dòng vốn chảy ra nước ngoài và giá trị đồng nhân dân tệ giảm, đặc biệt khi xem xét chính sách nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tuy nhiên, các đợt cắt giảm lãi suất của Mỹ đã tạo ra một chút không gian, PBoC đã điều chỉnh được lãi suất mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến đồng nội tệ.

Ju Wang, chiến lược gia trưởng về tỷ giá và ngoại hối khu vực Đại Trung Hoa tại BNP Paribas cho rằng giọng điệu tại cuộc họp Bộ Chính trị Trung Quốc ngày 9/12 củng cố kỳ vọng của thị trường rằng PBoC có thể cắt giảm lãi suất thêm 40-50 điểm %, đưa mức lãi suất xuống gần 1% vào cuối năm 2025.

Kỳ vọng cắt giảm lãi suất hơn nữa đã thúc đẩy đợt tăng giá trị kéo dài của trái phiếu chính phủ Trung Quốc, đẩy lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm xuống mức thấp kỷ lục vào ngày 10/12.

Nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tạo áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ, nhưng “đảm bảo đà tăng trưởng kinh tế sẽ được ưu tiên hơn so với việc ổn định tỷ giá hối đoái”, Bruce Pang - nhà kinh tế trưởng khu vực Đại Trung Hoa tại JLL, chia sẻ với CNBC. Ông dự đoán PBoC sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR), một công cụ quan trọng để điều chỉnh thanh khoản hệ thống ngân hàng, trong vòng một tháng tới.

Không kích thích kiểu “Bazooka”

Theo UBS, các chi tiết cụ thể về chính sách vĩ mô của Bắc Kinh sẽ được công bố tại hội nghị công tác kinh tế hàng năm kết thúc vào ngày 12/12. Tuy nhiên, hầu hết mục tiêu chính sách và biện pháp kích thích quan trọng sẽ chỉ được công bố tại kỳ họp quốc hội vào tháng 3 năm sau.

Các nhà đầu tư và kinh tế đang chờ đợi những bước đi cụ thể, đặc biệt trong việc hỗ trợ tài khóa bổ sung và khuyến khích tiêu dùng trực tiếp.

Ngôn ngữ mạnh mẽ tại cuộc họp không đồng nghĩa với việc một gói kích thích kiểu “bazooka” (gói kích cầu quy mô lớn mà chính phủ rót trực tiếp vào nền kinh tế - PV) sẽ được triển khai ngay lập tức, Gabriel Wildau, Giám đốc điều hành tại Teneo, nhận định.

Ông cho rằng các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kích thích mới theo từng bước, phụ thuộc vào dữ liệu và giữ lại nguồn lực để đối phó với các biện pháp thuế quan tiềm năng của Mỹ vào năm sau.

Thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình là ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách, theo dự báo của Wang, chính phủ có thể tăng gấp đôi ngân sách cho chương trình khuyến khích tiêu dùng lên hơn 300 tỷ nhân dân tệ (41 tỷ USD) để thúc đẩy chi tiêu trong nước.

Tháng 7 vừa qua, Trung Quốc đã phân bổ 300 tỷ nhân dân tệ thông qua trái phiếu chính phủ siêu dài hạn để hỗ trợ chính sách đổi mới thiết bị và khuyến khích tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngoài chương trình khuyến khích tiêu dùng, các gói kích thích tài khóa hiện tại hầu như không tập trung nhiều vào việc thúc đẩy tiêu dùng - yếu tố then chốt để phục hồi nền kinh tế, Sunny Liu, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, nhận xét. Ông nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm phát trong ngắn hạn.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.