UBKT: Thi hành sớm 3 luật bất động sản gây khó cho địa phương

02/07/2024 09:57

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có báo cáo làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành.

Ủy ban Kinh tế cho rằng nếu luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng thì sẽ gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình chuẩn bị điều kiện thực hiện các quy định mới. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chiều 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng.

Cần đánh giá tác động của việc thi hành sớm các luật

Tại buổi họp, ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ bổ sung báo cáo theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo Kết luận số 3870 ngày 14/6 để đảm bảo Quốc hội có đủ cơ sở và thông tin để xem xét và quyết định.

Báo cáo bổ sung này cần bao gồm tiến độ và lộ trình xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các địa phương; phân tích, so sánh chi phí và lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đánh giá kỹ lưỡng những tác động tiêu cực đối với phát triển kinh tế - xã hội để làm rõ tính tối ưu của việc điều chỉnh hiệu lực của các luật sớm hơn so với việc giữ nguyên hiệu lực thi hành.

Ngoài ra, cần đánh giá tác động về việc sử dụng đất của cá nhân nước ngoài và doanh nghiệp có vốn nước ngoài, vấn đề sở hữu nhà ở của cá nhân và tổ chức nước ngoài, cũng như hoạt động kinh doanh bất động sản của các doanh nghiệp có vốn nước ngoài.

Đồng thời, tổng hợp ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động như doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và các tổ chức đại diện quyền lợi của doanh nghiệp về nội dung dự án Luật.

luat kinh doanh bds,  luat tin dung anh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quốc hội.

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ việc quy định thời điểm có hiệu lực thi hành sớm hơn của Luật Đất đai năm 2024 có ảnh hưởng gì đến việc áp dụng các quy định sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ tại các văn bản liên quan.

Hiện tại, Chính phủ đề xuất cho phép 3 luật liên quan thị trường bất động sản là Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và hai điều (200 và 210) của Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 1/8, sớm 5 tháng so với quyết nghị của Quốc hội tại kỳ họp hồi tháng 1. Riêng một số quy định chuyển tiếp tại 7 điều (từ điều 253 đến 260) Luật Đất đai vẫn có hiệu lực từ 1/1/2025.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết việc cho phép Luật Đất đai có hiệu lực sớm hơn sẽ khắc phục những tồn tại trong định giá đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đây vốn là nguyên nhân của tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, không dám làm.

Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, một số chính sách mới yêu cầu quản lý cao hơn và cần có thời gian chuyển tiếp hợp lý.

Ông Thanh cho rằng nếu luật có hiệu lực sớm hơn 5 tháng thì sẽ gây khó khăn cho các địa phương và người dân trong quá trình chuẩn bị điều kiện thực hiện các quy định mới, như việc ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai thi hành luật.

Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho bất động sản

Trước đó vào sáng 19/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Tiếp thu các ý kiến góp ý của thành viên Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến dự án chỉ có mục tiêu là đầu tư xây dựng công trình hoặc đầu tư kinh doanh dự án bất động sản thì chủ đầu tư có quyền chuyển nhượng đất và bán tài sản gắn liền với đất cho tổ chức, cá nhân hay không; thông tin cần công khai về bất động sản, dự án bất động sản đưa vào kinh doanh theo quy định...

Một số vấn đề khác cũng được giải trình và làm rõ liên quan đến quy định việc chủ đầu tư chuyển nhượng cung cấp văn bản công nhận chủ đầu tư; trách nhiệm thực hiện biện pháp điều tiết thị trường bất động sản; kinh phí cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản...

Tại cuộc họp, các ý kiến cũng tập trung góp ý về công trình xây dựng, sàn xây dựng sử dụng kinh doanh lĩnh vực khác có kết hợp với cung cấp dịch vụ lưu trú, du lịch, khách sạn.

Phó thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ một số khái niệm mới về công trình hỗn hợp toà nhà văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), căn hộ kết hợp lưu trú (condotel) là toà nhà văn phòng kết hợp cung cấp dịch vụ khách sạn, căn hộ kết hợp cung cấp dịch vụ khách sạn.

"Những gì chưa được quy định nhưng thực tiễn đã có, được thừa nhận và được nêu trong luật thì phải được thể chế hoá cụ thể, rõ ràng hơn chứ không nhắc lại luật", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

luat kinh doanh bds,  luat tin dung anh 2

Phó thủ tướng đề nghị cơ quan soạn thảo phải làm rõ một số khái niệm mới về officetel và condotel. Ảnh: VGP/MK.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Nghị định cần đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động sàn bất động sản, cung cấp dịch vụ về bất động sản theo hướng số hoá, lồng ghép các thủ tục, không phát sinh thủ tục mới.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm pháp lý, nội dung hoạt động, cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, an ninh mạng, thông tin doanh nghiệp, cá nhân, khả năng kết nối với các sàn bất động sản khác.

Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm xây dựng khung chương trình kiến thức, điều kiện tổ chức sát hạch, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản, công bố công khai, lập cơ sở dữ liệu và các chế tài xử lý vi phạm...

Phó thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với các bộ, ngành, chuyên gia để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định theo đúng thời hạn đặt ra.