Giữa những con đường làng rợp bóng tre, nơi bờ rào cũ kỹ phủ đầy dây leo, có một loài cây mộc mạc mà thân quen - lá mơ lông. Loài cây với những chiếc lá mềm mại, phủ lông mịn như nhung, tỏa hương nồng nàn đặc trưng, không chỉ là gia vị trong bữa cơm quê mà còn là vị thuốc quý trong kho tàng y học dân gian Việt Nam.

Lá mơ chữa bệnh: Y học cổ truyền và y học hiện đại công nhận
Theo BS Đông y Nguyễn Hữu Trường, trong Đông y, lá mơ lông (Paederia foetida) được biết đến với tính mát, vị đắng nhẹ, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu thực, sát trùng và giảm đau. Đặc biệt, lá mơ lông thường được sử dụng để hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa như viêm dạ dày, đầy hơi, khó tiêu, kiết lỵ.
Người xưa thường giã nát lá mơ lông, vắt lấy nước cốt để uống hoặc kết hợp với trứng gà hấp cách thủy, giúp làm dịu các triệu chứng đau bụng và rối loạn tiêu hóa.
Các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng công nhận công dụng của lá mơ lông. Chúng chứa nhiều hợp chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc hỗ trợ điều trị các bệnh về tiêu hóa. Một số hoạt chất đáng chú ý bao gồm:
- Sulfur dimethyl disulphide: Hợp chất này có đặc tính kháng khuẩn mạnh, giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại trong đường ruột, hỗ trợ điều trị các bệnh như viêm dạ dày và kiết lỵ.
- Alkaloid trong lá mơ lông có tên Paederin: Có tác dụng chống viêm, giảm đau, giúp làm dịu niêm mạc dạ dày bị tổn thương.
- Vitamin C và caroten: Giúp tăng cường hệ miễn dịch, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi các tác nhân gây hại.
Ngoài ra, lá mơ lông còn chứa các enzyme tiêu hóa tự nhiên, hỗ trợ quá trình phân giải protein và chất béo, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

Một số món ăn từ lá mơ lông hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả
1. Trứng gà hấp lá mơ lông - "Bài thuốc kinh điển" cho dạ dày
Công dụng: Giảm đau bụng, đầy hơi, hỗ trợ tiêu hóa, làm dịu niêm mạc dạ dày.
Cách làm:
- Lá mơ lông non rửa sạch, thái nhỏ.
- Trộn với 1-2 quả trứng gà, chút muối, đánh đều.
- Hấp cách thủy 15 phút đến khi chín.
- Ăn khi còn nóng, dùng 1-2 lần/tuần.
2. Lá mơ cuốn thịt hoặc cuốn trứng chiên
Công dụng: Hỗ trợ tiêu hóa, giảm chướng bụng, bổ sung đạm.

Cách làm:
- Lá mơ rửa sạch, chọn lá to.
- Thịt băm hoặc trứng gà trộn gia vị, gói vào lá mơ như cuốn chả, rồi rán vàng hoặc nướng trên than.
Ăn cùng cơm nóng, vừa ngon lại tốt cho dạ dày.
3. Lá mơ trộn gỏi cá hoặc thịt chua
- Công dụng: Kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn sống/ lên men.
Lưu ý: Dùng lá mơ lông làm rau ăn kèm gỏi cá, nem chua… sẽ giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn đường ruột nhờ hoạt chất kháng sinh tự nhiên trong lá.
4. Lá mơ xào trứng hoặc xào thịt bò
Công dụng: Bổ dưỡng, dễ tiêu, hỗ trợ giảm triệu chứng đau dạ dày.
Cách làm:
- Lá mơ thái nhỏ, xào nhanh với trứng gà hoặc thịt bò tái.
- Ăn nóng, có thể dùng 1-2 lần/tuần.

Lưu ý khi sử dụng lá mơ lông chữa bệnh
Mặc dù lá mơ chữa bệnh hiệu quả, nhưng chuyên gia khuyên cần lưu ý một số điểm sau để đảm bảo an toàn:
- Không ăn sống quá nhiều: Lá mơ lông sống có thể chứa vi khuẩn hoặc ký sinh trùng nếu không được rửa sạch kỹ lưỡng, có thể gây rủi ro. Do đó khi ăn sống chỉ nên chọn nguồn uy tín, sạch sẽ, không quá lạm dụng ăn sống.
- Phụ nữ mang thai nên thận trọng: Chưa có đủ nghiên cứu về độ an toàn của lá mơ lông đối với phụ nữ mang thai, nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Không lạm dụng thay thế thuốc điều trị: Lá mơ lông chỉ có tác dụng hỗ trợ, không thay thế được thuốc điều trị chuyên khoa. Do đó vẫn nên đi thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Hoặc