Nếu có quyền lựa chọn, chắc hẳn không có ai trong chúng ta sẽ muốn rước vào mình những khó khăn, đặc biệt là khó khăn trong vấn đề tài chính. Nhưng cuộc sống mà, sẽ luôn có những tình cảnh vượt xa ngoài sức tưởng tượng lẫn khả năng chịu đựng của bản thân. Chấp nhận đối mặt, cố gắng để vượt qua, rồi nhờ đó mà trưởng thành. Hành trình ấy đương nhiên không dễ dàng, nhưng nếu làm được, bản thân chúng ta sẽ trở thành một phiên bản khác, tốt hơn, mạnh mẽ hơn.
Câu chuyện của cô gái sinh năm 1998 dưới đây là một trường hợp như vậy.
Gia đình vỡ nợ 1 tỷ, mỗi người một nơi và cuộc đoàn tụ sau 5 năm xa cách
Cô gái mở đầu bài tâm sự của mình bằng một lời trấn an, khích lệ: “Em xin kể câu chuyện của mẹ em, coi như là 1 động lực cố gắng, ngày mai trời lại sáng thôi, không giàu nhưng sẽ ổn thôi, miễn đừng ham chơi, không tiêu xài hoang phí, không làm việc trái lương tâm…”.
“Cha mẹ cắt đất nhà ra bán trả bớt nợ, xin chừa lại đúng nền nhà để ở che mưa nắng, cha vẫn ở đó. Mẹ nhờ người quen chỉ chỗ lên TP.HCM đi làm giúp việc hết nhà này đến nhà kia, làm quần quật từ chăm em bé đến tất cả việc trong nhà. Lương bao nhiêu là trả nợ hết, chứ không trốn tránh, không tiêu xài gì, siêu tiết kiệm.
Điều buồn nhất và tiếc nuối của em chính là em trai năm ấy 14 tuổi, mẹ đi, em bị sốc, buồn, không ăn uống nổi, xỉu tại trường, và vốn dĩ em học yếu, mà giờ không có chị có mẹ kèm, cha bận làm không theo sát, em nghỉ học luôn. Nhưng con trai tuổi nổi loạn mà không có ai quản sợ hư hỏng nên lại nhờ người quen dẫn em lên TP.HCM làm ở 1 xưởng in áo, bao ăn bao ở.
Mỗi khi nghĩ đến xót cho em trai quá, thỉnh thoảng em lại đi thăm mẹ, thăm em trai, thấy e không còn vui vẻ nữa, chia tay 2 người, e, vừa đi vừa khóc, nước mưa hòa nước mắt.
Thề là bản thân mình tự thấy phải phấn đấu, từ 1 đứa siêu khờ, em vừa học vừa dạy thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống, vay tiền ngân sách hỗ trợ sinh viên để phụ trả nợ, đi xe đạp tàn tàn, ăn uống tự nấu 3 bữa ở nhà, ở ghép, phụ chủ nhà giữ em bé, phụ bếp, nấu ăn, phát tờ rơi, phụ nhà hàng, mà nhờ vậy em trở nên năng động hơn, vui vẻ hơn, chứ không ủ rũ, tính cách thay đổi 180 độ theo hướng tốt hơn, và vì làm thêm nhiều nên không đi chơi lum la với bạn bè, không la cà trà sữa hàng quán, đỡ tốn biết bao nhiêu.
Mãi đến năm 4, em mới mua laptop và xe máy cũ, và tốt nghiệp trường đúng hẹn, không nợ môn, có công việc ổn, lanh lẹ, tính tình vui vẻ thân thiện nên công việc thuận lợi. Và rồi sau 5 năm, gia đình em đã trả hết nợ, mẹ đường hoàng về quê sống, có thể ngẩng cao đầu rồi.
Em trai đủ 18 tuổi nên về quê và xin được vào làm công ty có chế độ đàng hoàng ổn định, có BHYT, BHXH... May thay em cũng học được tính tiết kiệm, không tiêu hoang. Nay gia đình lại sum vầy, không còn ly tán mỗi người 1 nơi nữa. Bây giờ không hề giàu, nhưng cuộc sống vậy là an nhiên rồi ạ” - Cô gái viết.
Trong phần bình luận của bài đăng, có hàng trăm lời động viên, cảm thán về hành trình nỗ lực, cùng mẹ trả khoản nợ tiền tỷ của cô gái này. Nhiều người còn cho biết họ không thể không rưng rưng xúc động, thương cho cô và em trai khi tưởng tượng cảnh chị em xa cách nhau, xa cả bố mẹ.
“Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi” không phải là một lời động viên sáo rỗng!
Khi khó khăn bủa vây, khi đang chìm trong bế tắc và cảm giác tuyệt vọng, nghe câu “mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”, thấy sao mà sáo rỗng, văn vở quá! Nhưng từ chia sẻ của cô gái trong câu chuyện phía trên, có lẽ, chúng ta phải thừa nhận một sự thật: Nếu bản thân cố gắng và nỗ lực hết sức, thì đúng là mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, giống như câu nói từng viral trên MXH: “Làm gì có mưa nào mà mưa hoài mưa mãi, không tạnh”.
Một lần vỡ nợ không phải là dấu chấm hết cho tương lai, hay cuộc sống phía trước.
Với bản thân và gia đình của cô gái trong câu chuyện phía trên, giai đoạn ấy kéo dài 5 năm. Với người khác hay những hoàn cảnh khác, giai đoạn ấy có thể ngắn hơn, cũng có thể dài hơn, nhưng suy cho cùng, so với một đời người, chẳng phải đó cũng chỉ là một giai đoạn thôi hay sao?
Thế nên là mình sai ở đâu, thì mình sửa ở đó. Mắc nợ do làm ăn thua lỗ mà chưa thể trả được ngay, thì xin chủ nợ cho thời gian để làm việc, kiếm tiền trả nợ chứ không trốn tránh, rũ bỏ trách nhiệm. Đối mặt với thất bại càng sớm, thì thời gian khắc phục, tự vực dậy bản thân càng rút ngắn.
Đến cuối cùng, khi sóng gió đã qua đi, và bản thân có thể ngẩng cao đầu mà sống, chúng ta sẽ nhận ra không có gì quan trọng hơn việc bản thân và những người thân trong gia đình vẫn còn khỏe mạnh. Có gia đình, người thân làm điểm tựa, cả nhà đồng lòng, thì kiếm tiền trả nợ cũng chẳng phải việc quá khó khăn. Nghe có vẻ sáo rỗng đấy, nhưng cứ thử đặt mình vào địa vị của cô gái trong câu chuyện phía trên, bạn sẽ hiểu tình thân đáng giá đến thế nào.
Lấy đó làm động lực để thêm hiểu và thêm tin rằng: Chẳng có khoản nợ nào là không thể trả, khi số nợ được tính bằng đơn vị tiền và nếu bản thân mình chịu cố gắng!
Hoặc