Thông tin sơ bộ về thiệt hại do bão số 3 gây ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết tính đến 17h30 ngày 7/9, đã có 4 người thiệt mạng (Quảng Ninh 3, Hải Dương 1, không tính 1 người thiệt mạng tại Hà Nội do giông lốc chiều 6/9) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58, Hải Phòng 20).
Tính đến 17h chiều 7/9, bão số 3 đã làm 4 người chết, 78 người bị thương và gây mất điện diện rộng tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương.
Về tàu thuyền, có 5 tàu xi măng, 1 tàu gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu (Quảng Ninh), 1 tàu vận tải (Huyền Trang 02 - Hải Phòng) bị đứt neo trôi dạt. Về điện lực: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương mất điện diện rộng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gió thực đo vào lúc 16h chiều 7/9: Phủ Liễn (Hải Phòng) cấp 9; Hòn Dấu (Hải Phòng) cấp 6; Cô Tô (Quảng Ninh) cấp 7; Cửa Ông (Quảng Ninh) cấp 8; Bãi Cháy (Quảng Ninh) cấp 9; Uông Bí (Quảng Ninh) cấp 10; Thái Bình (Thái Bình) cấp 6; Nam Định (Nam Định) cấp 6.
Từ 7h sáng 7/9 đến 17 giờ 7/9, Bắc Bộ có mưa từ 60-90mm do ảnh hưởng của bão số 3, một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Đầm Hà (Quảng Ninh) 173mm; Cát Bà (Hải Phòng) 198mm; Tiền Hải (Thái Bình) 301mm; Lương Tài (Bắc Ninh) 130mm.
Dự báo đêm 7/9, bão số 3 sẽ di chuyển sâu vào đất liền, đến 4 giờ ngày 8/9 bão sẽ ở cấp 8, giật cấp 10. Từ tối 7/9 đến sáng 8/9: Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to từ 80-200mm, cục bộ có nơi trên 400mm.
Chiều và đêm 8/9: có mưa vừa, có nơi mưa to và dông phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 100mm; Khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to từ 60-120mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Từ tối 7/9 đến ngày 9/9: Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to phổ biến từ 100-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm.
Các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh - Nghệ An và Quảng Bình đã cấm biển. Tính đến chiều 7/9, đã sơ tán 52.979 người trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn (Quảng Ninh: 3.460 người; Hải Phòng: 23.581 người; Thái Bình: 21.510 người; Nam Định: 1.743 người; Ninh Bình: 2.685 người).
Đã triển khai các phương án đảm bảo an toàn các trọng điểm đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình (31 trọng điểm) nhất là các tuyến đê tại Quảng Ninh, Hải Phòng (12 trọng điểm), có phương án chống tràn cho các tuyến đê.
Đã bơm tiêu rút nước trên các hệ thống kênh, mương và mặt ruộng; hệ thống các trạm bơm tiêu và các công trình thủy lợi đã sẵn sàng vận hành tiêu úng khi có mưa lớn xẩy ra để bảo vệ sản xuất. Các hồ thủy lợi có cửa van xả đã vận hành xả nước theo quy trình để đón lũ do hoàn lưu bão gây ra và tổ chức ứng trực vận hành đảm bảo an toàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.
Đối với miền núi phía Bắc, yêu cầu các địa phương phải triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống. Triển khai công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản, nhất là tại tỉnh Quảng Ninh. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Hoặc