Trang Bulgarian Military hôm 13/9 cho biết, các quan chức Ukraine đang tăng cường các nỗ lực ngoại giao và quân sự tại Washington để có được 12 trực thăng tấn công Bell AH-1Z Viper. Những chiếc trực thăng này được coi là rất quan trọng đối với khả năng phòng thủ của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Yêu cầu cung cấp thiết bị tiên tiến này diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc phản công của Ukraine, khi Kiev phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng để chuyển hướng thế trận trên chiến trường theo hướng có lợi cho mình.
Các nguồn tin quen thuộc nói với Bulgarian Military rằng, các quan chức quốc phòng cấp cao của Ukraine đang tích cực hợp tác với các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo quân sự Mỹ liên quan đến dòng trực thăng tấn công 2 động cơ này.
Trực thăng Viper (Rắn hổ lục, Rắn siêu độc) nổi tiếng với khả năng cơ động cao và hệ thống điện tử hàng không hiện đại, được cho là sẽ mang đến cho các lực lượng Ukraine sự linh hoạt hơn trên chiến trường, đặc biệt là trong các hoạt động hỗ trợ không quân tầm gần và chống tăng thiết giáp.
"Viper lấp đầy khoảng trống năng lực quan trọng đối với chúng tôi", một quan chức quốc phòng Ukraine giải thích. "Lực lượng của chúng tôi cần những chiếc trực thăng có độ chính xác và khả năng sống sót cao, và AH-1Z đứng đầu danh sách này".
Trực thăng tấn công Bell AH-1Z Viper. Ảnh: Bellflight News, Military.com
AH-1Z Viper, do Bell Helicopter chế tạo cho Thủy quân Lục chiến Mỹ, là một trong những trực thăng tấn công tiên tiến nhất trên thế giới, nổi bật với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, bao gồm Hệ thống ngắm mục tiêu (TSS), kết hợp các cảm biến hồng ngoại và quang điện để nhận dạng mục tiêu tầm xa và nhắm mục tiêu chính xác.
Về vũ trang, Viper được trang bị tên lửa AGM-114 Hellfire, tên lửa 70 mm và pháo xoay 3 nòng M197 20 mm. Những vũ khí đáng gờm này cho phép "Rắn siêu độc" tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép và các mục tiêu quan trọng khác từ khoảng cách xa, tăng cường đáng kể khả năng tấn công trên không của Ukraine vào các vị trí của đối phương.
Các chuyên gia quân sự Ukraine tin rằng khả năng hoạt động cả ngày lẫn đêm của Viper, cùng với phạm vi hoạt động và khả năng phục hồi đặc biệt, khiến nó trở thành một tài sản chiến lược.
Với tốc độ tối đa 222 dặm/giờ (357 km/h) và phạm vi chiến đấu 426 dặm (658 km), Viper có thể thực hiện các nhiệm vụ tấn công đòi hỏi phải luồn sâu vào phía sau phòng tuyến của kẻ địch, mang lại sự linh hoạt hơn trong hoạt động.
Các tính năng sống sót của AH-1Z Viper có khả năng là một bước ngoặt đối với Ukraine. Chiếc trực thăng này được thiết kế cho chiến tranh hiện đại, có hệ thống rotor 4 cánh composite giúp giảm đáng kể tín hiệu radar của nó, khiến nó khó bị địch phát hiện hơn.
Thêm vào đó, Viper được trang bị bộ triệt hồng ngoại, lớp giáp và các hệ thống dự phòng, cho phép nó chịu được hỏa lực mặt đất hiệu quả hơn nhiều so với các thế hệ trước. Những phẩm chất này rất quan trọng đối với Ukraine khi nước này phải đối mặt với hệ thống phòng không đáng gờm của Nga và các mối đe dọa phòng không trên mặt đất.
Vì là loại vũ khí tiên tiến và đáng gờm, nên Viper cho đến nay vẫn chưa được "bật đèn xanh" để tham chiến ở Ukraine. Các quan chức Mỹ vẫn thận trọng khi nói đến việc chấp thuận chuyển giao trực thăng chiến đấu này cho Ukraine, chủ yếu là do lo ngại về căng thẳng leo thang với Nga.
"Chúng tôi đang đánh giá tỉ mỉ mọi yêu cầu, bao gồm cả yêu cầu này, để đảm bảo nó phù hợp với chiến lược dài hạn của chúng tôi", một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc tuyên bố.
Trực thăng tấn công Bell AH-1Z Viper
- Nhiệm vụ chính: Hỗ trợ không quân tầm gần, Hộ tống vũ trang/Trinh sát, Chống thiết giáp, Kiểm soát hỗ trợ vũ trang, Không chiến
- Chiều dài thân máy bay: 44 feet, 10 inch (13,7 m)
- Chiều dài tổng thể: 58 feet, 3 inch (17,7 m)
- Chiều cao: 14 feet, 4 inch (4,4 m)
- Trọng lượng: 5.579 kg (rỗng), 8.391 kg (đầy tải)
- Động cơ: 2 động cơ trục tua bin General Electric T700-GE-401C
- Phi hành đoàn: 2 (1 phi công chính, 1 phi công phó/xạ thủ)
Minh Đức (Theo Bulgarian Military, Navair)
Hoặc