Tên lửa siêu vượt âm Mako mới do gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Lockheed Martin sản xuất đánh dấu bước tiến quan trọng trong nỗ lực của Mỹ nhằm thu hẹp khoảng cách trong cuộc đua vũ khí siêu thanh với các đối thủ.
Trong cuộc đua công nghệ này, tất cả mọi vận động viên đều đang nỗ lực hết mình để dẫn đầu xu hướng. Trong khi Nga đang dẫn đầu, với Trung Quốc và Ấn Độ bám sát phía sau, Mỹ cũng đang cố gắng đuổi kịp.
Gần đây, Lockheed Martin đã chứng minh quyết tâm dẫn đầu trong cuộc đua về năng lực vũ khí siêu thanh, với việc thêm nhiều chi tiết về tên lửa siêu thanh Mako của hãng này đã được tiết lộ.
Hệ thống tên lửa mới của Lockheed được đặt theo tên của loài cá mập Mako – loài cá mập nguy hiểm nhất trên biển với tốc độ bơi "nhanh như cắt".
Giống như loài cá mập này, tên lửa siêu vượt âm Mako có thể đạt tốc độ trên Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh).
Được phát triển từ năm 2017, Mako bắt đầu được đưa vào chương trình Vũ khí tấn công dự phòng (SiAW) của Không quân Mỹ và được định hình là một loại tên lửa "vừa rẻ, vừa nhanh nhẹn".
Đây là những yếu tố quan trọng trong bối cảnh tình hình địa chính trị đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ từ các cuộc chiến chống nổi loạn sang sự trở lại của các cuộc xung đột ngang hàng, nơi quy mô lực lượng được tính đến.
Lần đầu tiên được công bố tại triển lãm Sea Air Space 2024 và được Lockheed mô tả là tên lửa của những con số "13", có đường kính 13 inch (33 cm), dài 13 feet (4 m), nặng 1.300 pounds (590 kg) và có thể mang tải trọng 130 pounds (59 kg).
Thông số kỹ thuật chính xác của Mako vẫn còn là bí mật, nhưng nó có thể đạt được tốc độ siêu thanh nhờ một tên lửa đẩy rắn đơn giản và có thể được mang trên các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 và nhiều loại tiêm kích khác của Mỹ, bao gồm F-35A, F-35B, F/A-18, F-16, F-15, P-8, F-22 và F-35C.
Trên thực tế, tên lửa siêu thanh Mako có thể được lắp bên trong hoặc bên ngoài bất kỳ máy bay nào được trang bị vấu 30 inch, nghĩa là nó có thể được mang trên máy bay ném bom. Lockheed cũng cho biết, Mako có thể được triển khai trên tàu ngầm và tàu chiến mặt nước nếu cần.
Tuy nhiên, tính năng nổi bật của Mako là hiệu quả về mặt chi phí. Tên lửa siêu thanh nổi tiếng là đắt đỏ, nhưng Mako khắc phục được điều này bằng cách sử dụng thiết kế kiến trúc mở hoàn toàn kỹ thuật số để có thể nhanh chóng cải tiến, in 3D để chế tạo phần dẫn đường và cánh, và sử dụng nhiều công nghệ đã được chứng minh, do đó không cần phải có bệ phóng "thửa" riêng.
Theo nhà sản xuất, cách tiếp cận này giúp dễ dàng điều chỉnh Mako cho nhiều nhiệm vụ khác nhau, bao gồm cả những nhiệm vụ cần hệ thống dẫn đường hoán đổi để tấn công các mục tiêu cụ thể.
Bằng cách sử dụng công nghệ in 3D, riêng hệ thống dẫn đường đã giảm 1/10 chi phí và sản xuất nhanh hơn 10 lần so với những hệ thống được sản xuất bằng các phương pháp thông thường.
Chi phí chính xác cho mỗi quả tên lửa siêu vượt âm Mako vẫn chưa được công bố, và việc liệu Lầu Năm Góc có thể mở rộng quy mô các hệ thống này hay không lại là một câu chuyện khác.
Nhưng tựu chung, tên lửa siêu vượt âm Mako là một bước đi cần thiết đúng hướng từ quan điểm công nghệ, và hứa hẹn là vũ khí "thay đổi cuộc chơi" cho mọi loại tiêm kích do Mỹ sản xuất.
Minh Đức (Theo National Interest, New Atlas)
Hoặc