Cần chính sách thúc đẩy phát triển bền vững các KCN trong kỷ nguyên mới

Admin

24/12/2024 05:30

(Chinhphu.vn) - Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực. Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024.

Cần chính sách thúc đẩy phát triển bền vững các KCN trong kỷ nguyên mới- Ảnh 1.

Các chuyên gia đề xuất cần cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, xây mới các KCN thế hệ mới thông minh bền vững - Ảnh: VGP/Anh Lê

Chia sẻ tại Diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam năm 2024, tổ chức ngày 19/12 tại TPHCM, ông Nguyễn Đồng Trung, Phó Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) cho biết, năm 2024, FDI trên toàn cầu đã suy giảm trong hai năm 2022 và 2023 do bất ổn kinh tế vĩ mô và căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng của thị trường Việt Nam vẫn khá tích cực, thể hiện bằng việc nhiều dự án đầu tư đã được phê duyệt, cấp phép. Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Theo dự báo, cuối năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam sẽ cao hơn năm 2023, đạt một mức kỷ lục mới trong giai đoạn 5 năm 2019-2024.

Đáng chú ý, FDI đổ vào Việt Nam dẫn đầu là các ngành có giá trị cao, như công nghiệp chế biến, điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Tính đến hết quý III/2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 9,02 tỷ USD, chiếm 66,6% tổng vốn đăng ký cấp mới. Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ từ việc thu hút các dự án sản xuất truyền thống, phát huy lợi thế chi phí lao động thấp, thành thu hút các dòng vốn đầu tư vào công nghệ cao, chuyên sâu, với năng lực sản xuất cao.

TS. Bùi Thanh Minh, Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, hiện nay, quỹ đất có vị trí thuận lợi tại các khu vực công nghiệp trọng điểm ngày càng khan hiếm, trong khi cơ sở hạ tầng chưa được phát triển đồng bộ, thủ tục pháp lý trong các khu công nghiệp (KCN) còn nhiều vướng mắc.

"Dư địa phát triển KCN hiện còn hạn chế, do đó, các KCN cần phát triển theo hướng một hệ sinh thái toàn diện. KCN phải trở thành những trung tâm đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được các chính sách về vốn, công nghệ", ông Bùi Thanh Minh nhấn mạnh.

KCN-KCX là các trọng điểm thu hút đầu tư của các địa phương

Theo các chuyên gia, KCN, khu chế xuất (KCX) là nơi tập trung các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vưc công nghiệp và dịch vụ có dự án đầu tư dài hạn (bao gồm cả doanh nghiệp đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng). 

Với hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ và đặt tại vị trí thuận lợi về kết nối giao thông, KCN, KCX là các trọng điểm thu hút đầu tư các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước để phát triển sản xuất công nghiệp của các địa phương. Ngoài ra, tại một số địa phương, KCN, KCX được hình thành gắn với nguồn vùng nguyên liệu của địa phương để phát huy tiềm năng thế mạnh tại chỗ và di dời các cơ sở công nghiệp ô nhiễm trong khu vực đông dân cư để đảm bảo công tác bảo vệ môi trường.

Cần chính sách thúc đẩy phát triển bền vững các KCN trong kỷ nguyên mới- Ảnh 2.

Cần chính sách thúc đẩy phát triển bền vững các KCN trong kỷ nguyên mới - Ảnh: VGP/Anh Lê

Chính vì vậy, KCN đóng vai trò quan trọng trong bức tranh kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như phát triển bền vững các KCN sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp trong KCX-KCN gặp nhiều vướng mắc pháp lý do sự chồng chéo của các luật. Điều này đặt ra yêu cầu cần có cơ chế thúc đẩy các doanh nghiệp thực thi nghiêm túc, đồng bộ các quy định được đặt ra trong KCN để đạt hiệu quả cao, tránh tình trạng trong cùng cơ sở có doanh nghiệp làm nhưng doanh nghiệp thì không.

Trong phiên tọa đàm "Chính sách thúc đẩy phát triển bền vững các KCN trong kỷ nguyên mới", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, trong Luật Đất đai mới đối với KCN, Nhà nước hạn chế thu hồi đất cho các nhà đầu tư. Doanh nghiệp tự thỏa thuận. Trong trường hợp doanh nghiệp không thu hồi được thì Nhà nước mới đứng ra thu hồi. Bên cạnh đó, KCN là loại hình kinh doanh tiếp cận linh hoạt nhất có quyền lựa chọn trả tiền thuê đất hàng năm hoặc 1 lần; có thể tách ra từng khu vực thuê đất trả tiền một lần, khu vực trả hàng năm.

Ông Hiếu cũng cho rằng, sự phát triển của KCN mới rất cần một hệ sinh thái cho sự phát triển đồng bộ của kinh tế - xã hội. Trong khi đó, Luật Đất đai mới yêu cầu trong KCN cần chỗ ở cho người lao động, đảm bảo an ninh, cũng như yêu cầu trong KCN phải dành đất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chứ không chỉ là những doanh nghiệp lớn.

Đồng quan điểm trên, ông Chế Văn Trung, Giám đốc KCN Cát Lái cho rằng, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các KCN đã xây dựng, hoạt động lâu năm đã lấp đầy, các KCN đã vào hoạt động còn nhiều diện tích muốn chuyển đổi dần sang KCN thế hệ mới thông minh, bền vững.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề xuất cần cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, xây mới các KCN thế hệ mới thông minh bền vững. Trong đó, định dạng cụ thể về tiêu chuẩn tiêu chí KCN xanh, đồng thời cần có thể chế, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ rõ ràng đối với những chủ đầu tư, KCN muốn đầu tư xây mới hoặc chuyển đổi từ mô hình cũ sang KCN thế hệ mới thông minh bền vững.

Anh Lê