Phụ huynh Hà Nội tranh luận nảy lửa: "Vài năm nữa học sinh nào cũng nói tiếng Anh như Tây, nhưng chuyên môn không có, thì lấy ai làm việc?"

Admin

25/12/2024 08:30

Một vấn đề đang rất được quan tâm trong giáo dục hiện đại: Sự cân bằng giữa việc học ngôn ngữ và việc phát triển chuyên môn.

Việc học tiếng Anh là rất quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa, khi mà tiếng Anh đang trở thành ngôn ngữ chung trong giao tiếp quốc tế. Tuy nhiên, một số ý kiến nhận định: Nếu học sinh chỉ tập trung vào việc học ngôn ngữ mà bỏ qua chuyên môn, thì họ có thể có khả năng giao tiếp tốt nhưng lại thiếu kiến thức chuyên sâu trong các lĩnh vực cụ thể. Một người giỏi tiếng Anh nhưng không có chuyên môn sẽ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp thực sự.

"Vài năm nữa học sinh nào cũng nói tiếng Anh như Tây, nhưng chuyên môn không có, thì lấy ai làm việc?" - Một vấn đề được "khơi mào" trên một hội nhóm lớn dành cho phụ huynh nhận về hàng trăm bình luận trái chiều.

Việc sử dụng kết quả thi Tiếng Anh mà không xét đến yếu tố chuyên môn trước sẽ lợi bất cập hại. Hậu quả nhãn tiền là số học sinh đăng ký thi các môn Khoa học tự nhiên năm nay ít đến báo động.

Phụ huynh Hà Nội tranh luận nảy lửa: "Vài năm nữa học sinh nào cũng nói tiếng Anh như Tây, nhưng chuyên môn không có, thì lấy ai làm việc?"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Hai luồng quan điểm

Một số cho rằng, việc học tiếng Anh không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc lơ là chuyên môn.

Những người có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh sẽ dễ dàng tiếp cận tài liệu học tập, nghiên cứu, và thậm chí có thể tham gia vào các dự án quốc tế. Hơn nữa, khi có nền tảng ngoại ngữ tốt, học sinh có thể tự học và cập nhật kiến thức chuyên môn từ các nguồn quốc tế, điều này có thể giúp họ trở nên thành thạo trong lĩnh vực của mình.

Nếu nói những em giỏi tiếng Anh sẽ không giỏi chuyên môn là cách phán xét một chiều, thiếu công bằng. Thực tế, nhiều học sinh ngày nay học tiếng Anh một cách chuyên sâu, nhưng vẫn duy trì sự nghiêm túc và kiên trì trong việc học các môn chuyên môn. Ngôn ngữ chỉ là một công cụ hỗ trợ, còn kiến thức chuyên môn là một lĩnh vực rộng lớn cần thời gian và nỗ lực để phát triển. Việc học ngoại ngữ không có lý do gì để làm chậm lại hoặc cản trở quá trình phát triển kỹ năng chuyên môn.

Khi học sinh giỏi cả chuyên môn và tiếng Anh, họ có thể dễ dàng thích nghi với nhiều tình huống và môi trường làm việc khác nhau, từ trong nước đến quốc tế. Sự linh hoạt này giúp họ phát triển toàn diện, có thể làm việc trong các công ty đa quốc gia, tham gia vào các dự án quốc tế, hoặc thậm chí sáng tạo trong các lĩnh vực mới. Việc học tiếng Anh thực sự có thể mở rộng cơ hội nghề nghiệp và sự phát triển trong bất kỳ chuyên môn nào.

Các hệ thống giáo dục hiện nay đang cố gắng kết hợp việc học ngoại ngữ với các môn học chuyên môn. Ví dụ, nhiều chương trình học hiện nay đã tích hợp tiếng Anh vào các môn học khoa học, toán học, công nghệ... Điều này giúp học sinh không chỉ học ngoại ngữ mà còn phát triển kỹ năng trong các lĩnh vực khác.

Luồng quan điểm ngược lại nhận định, tiếng Anh chỉ là 1 trong vô số thứ cần thiết để vào đời, nhưng việc "thần thánh hóa" thứ ngoại ngữ này khiến nhiều gia đình đầu tư quá nhiều tiền bạc, thời gian vào môn học này mà bỏ qua hoặc xem nhẹ việc trau dồi những môn học quan trọng khác.

Một Tiến sĩ trước đó từng chia sẻ: "Việc toàn dân chú trọng quá mức vào tiếng Anh sẽ dẫn tới sự giảm đầu tư cho các môn học khác và phát triển các kĩ năng khác. Hiện nay đang diễn ra một xu thế là học sinh phổ thông đang bỏ bớt các môn học thực chất như Lí, Hóa, Sinh, Địa, Sử, Tin, Công Nghệ,... để dành thời gian cho việc học tiếng Anh. Tại sao trẻ em các cường quốc trên thế giới có thể học mọi thứ bằng tiếng mẹ đẻ của họ còn trẻ em của chúng ta không thể học được mọi thứ bằng tiếng Việt?

Trong khi một số ngành nghề yêu cầu kỹ năng ngoại ngữ tốt, thì không ít lĩnh vực khác lại đòi hỏi chuyên môn sâu và kỹ năng chuyên biệt (như Công nghệ, Y học, Nghệ thuật, v.v.). Việc chỉ tập trung vào một lĩnh vực có thể khiến học sinh không đủ sự linh hoạt để thích ứng với nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

Nếu chỉ giỏi tiếng Anh mà không có chuyên môn, học sinh cũng sẽ khó cạnh tranh trong thị trường lao động quốc tế, nơi mà kỹ năng chuyên môn (ví dụ: Lập trình, Kỹ thuật, Tài chính) là yếu tố quyết định. Do đó, việc học chuyên môn cần được chú trọng, song song với việc nâng cao khả năng ngoại ngữ.

Trong khi các môn Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật là chìa khóa cho sự phát triển bền vững, việc thiếu học sinh theo học các môn này có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn lực cho các ngành công nghệ cao trong tương lai.

Ngoài ra, một vấn đề nhiều người lo ngại là việc đổ xô tiếng Anh và xem nhẹ tiếng mẹ đẻ. "Qua quan sát một số học sinh tiếp xúc tiếng Anh từ bé thì thường thuộc bảng chữ cái tiếng Anh trước cả tiếng Việt, xem các chương trình chỉ thích nguyên bản tiếng Anh, kể cả bóng đá hay cờ vua cũng chỉ xem bình luận viên tiếng Anh. Nhiều bạn trong số này lại nằm trong đội tuyển HSG Toán, Lý, Hoá của trường. Lúc nào vui thì lại tham gia vài cuộc thi hùng biện tiếng Anh cứ vanh vách.

Nhưng bảo chúng dịch sang tiếng Việt thì lại khóc thét. Tôi lo nhất việc chúng chưa chuyển tải được sang tiếng Việt một các trôi chảy và dễ hiểu. Chứ chuyên môn thì chúng học bằng tiếng Anh còn đào sâu nghiên cứu hơn cả bằng tiếng Việt, vì kho tàng tư liệu thế giới bằng tiếng Anh phong phú hơn", một người nêu ý kiến.

Bạn nghĩ sao về vấn đề này?