Chủ đại lý thuỷ sản lãi hơn 16,7 tỷ đồng/năm vẫn bỏ nghề đi buôn thịt: Đến khi thành “vua thịt lợn” lại vướng vòng lao lý vì một chữ "tham"

Admin

25/12/2024 08:30

Vì tham vọng của bản thân, tỷ phú Trung Quốc đã tự tay hủy hoại sự nghiệp gây dựng bao nhiêu năm của mình.

Chàng sinh viên nghèo trở thành “vua thịt lợn”

Chúc Nghĩa Tài sinh năm 1964, là con thứ 4 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Đồng Thành, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông được bổ nhiệm vào một công ty vận tải biển thuộc nhà nước. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, ông Chúc thấy nhiều người làm nghề buôn bán thủy sản dù không biết chữ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn một cử nhân đại học nên quyết định từ chức và đi buôn để kiếm tiền trả nợ cho gia đình. 

Không có kiến thức gì về ngành này, Chúc Nghĩa Tài dành thời gian 1 tháng ở chợ thuỷ sản để học hỏi kinh nghiệm. Nhận thấy kinh doanh ở chợ quá cạnh tranh trong khi khả năng nói chuyện và thu hút khách hàng của mình không bằng những tiểu thương quanh năm kiếm sống ở chợ, ông Chúc không mở quầy hàng mà chọn 1 cách tiếp cận khác. Đó là trở thành đại lý cung cấp hàng cho những doanh nghiệp lớn.

Theo đó, trong một lần vô tình đọc được thông tin về một công ty kinh doanh thuỷ sản, ông Chúc muốn hợp tác với công ty này liền tìm tới tận nơi để bàn bạc. Tuy nhiên, khi biết người đàn ông này vừa không có nguồn vốn vừa không nuôi trồng thủy sản, quản lý công ty trên cho rằng ông đang không nghiêm túc nên đuổi đi. Dẫu vậy, Chúc Nghĩa Tài không chịu thua mà vẫn liên tục tìm tới xin được hợp tác. Người quản lý bị lay động trước sự kiên trì của Chúc Nghĩa Tài  nên đã cho ông 1 cơ hội : “Chúng tôi sẽ hợp tác nếu anh mang được mẫu thủy sản đủ tiêu chuẩn đến”.

Không để lỡ vận may, Chúc Nghĩa Tài vội tới chợ thủy sản và mua những con tôm, cua ngon từ các thương nhân với tư cách là đối tác của công ty kinh doanh thủy sản trên và thành công ký được hợp đồng đầu tiên. Để có hàng giao cho đối tác, Chúc Nghĩa Tài đã phát huy hết khả năng của mình. Ông không cần tiền vẫn thành công thu mua được rất nhiều thủy sản nhờ sự tin tưởng của các thương nhân vào hợp đồng của mình với công ty lớn nói trên. Lúc đó, trong người Chúc Nghĩa Tài chỉ có 200 NDT (gần 700.000 đồng), số tiền này được ông dùng để thuê ô tô phục vụ cho việc vận chuyển. 

Chủ đại lý thuỷ sản lãi hơn 16,7 tỷ đồng/năm vẫn bỏ nghề đi buôn thịt: Đến khi thành “vua thịt lợn” lại vướng vòng lao lý vì một chữ "tham"- Ảnh 1.

Ảnh: Toutiao

Sau 1 năm kinh doanh, đại lý của Chúc Nghĩa Tài đã đạt doanh thu 90 triệu NDT (hơn 313 tỷ đồng) và lãi ròng 4,8 triệu NDT (hơn 16,7 tỷ đồng). Ông trở thành nhà kinh doanh thủy sản nổi tiếng ở địa phương. Tuy nhiên khi có được nhiều tiền, người đàn ông này lại cảm thấy việc buôn bán đang làm không bền và quyết tâm tìm lối đi phát triển hơn.

Với lý tưởng đó, Chúc Nghĩa Tài một mình bắt đầu hành trình đến các thành phố lớn như Thượng Hải, Vũ Hán, Trùng Khánh và khám phá ra một cơ hội kinh doanh mới. Đó là dốc hết tiền để kinh doanh thịt đông lạnh. Trước ông, một số công ty lớn đã chiếm lĩnh thị trường này và họ đang cạnh tranh để giành thị phần. Chúc Nghĩa Tài nhận thấy rằng so các siêu thị, khách sạn và các cửa hàng thực phẩm, thị trường thịt đông lạnh ở các chợ nhỏ thường bị những thương hiệu lớn bỏ qua vì cho rằng sức tiêu thụ không cao. Thế nhưng ông lại đánh giá chợ mới là thị trường có sức mua lớn nên quyết tâm giành lấy.

Cứ thế, với chiến lược “kiến gặm xương”, ông Chúc đã đến thăm hết gia đình này đến gia đình khác để giới thiệu họ bán thịt đông lạnh của mình. Bằng cách này, Yurun - nhà máy tư nhân nhỏ khởi đầu với 3 triệu NDT (hơn 10,4 tỷ đồng) của ông đã có được chỗ đứng vững chắc tại Nam Kinh và mở rộng thị trường sang toàn tỉnh Giang Tô và cả Thượng Hải.

Không những thế, để quảng bá sản phẩm của mình đến nhiều người tiêu dùng hơn, Chúc Nghĩa Tài còn áp dụng một chiến lược tiếp thị độc đáo, đó là tặng miễn phí một số lượng sản phẩm đáng kể cho các đại lý. Động thái này đã gây ra một hiệu ứng bùng nổ chưa từng có vào thời điểm đó, giúp thịt đông lạnh của Yurun trở thành mặt hàng được bày bán khắp nơi và được nhiều người tiêu dùng biết đến. Các đại lý trên sau đó cũng trở thành những kênh phân phối tiềm năng của Yurun.

Cũng từ đó, thương hiệu thịt đông lạnh Yurun đã chiếm lĩnh thị trường Hoa Đông chỉ trong 1 năm. Vào năm thứ 2, phạm vi tiếp tục mở rộng rầm rộ, bao phủ cả phía bắc sông Dương Tử. Đến năm thứ 3, thương hiệu thịt đông của Chúc Nghĩa Tài  đã có mặt trên khắp Trung Quốc. Đến năm 1996, Yurun trở thành một trong những doanh nghiệp sản xuất thịt đông lạnh hàng đầu Trung Quốc.

Bài học “tham thì thâm”

Để Yurun phát triển hơn nữa, việc mở rộng quy mô sản xuất trở thành ưu tiên hàng đầu. Lúc này, Chúc Nghĩa Tài để mắt đến một doanh nghiệp nhà nước sắp phá sản là Nhà máy Đóng hộp Nam Kinh. Nếu mua được doanh nghiệp này, Chúc Nghĩa Tài vừa tận dụng được những nhân lực có sẵn, giàu kinh nghiệm, vừa tiết kiệm được chi phí và hàng loạt vấn đề kéo theo khi mở rộng các cơ sở sản xuất như thu hồi đất hay lắp đặt máy móc thiết bị. Hơn nữa, 

Sau khi mua được nhà máy này, ông Chúc đầu tư 100 triệu NDT (hơn 348 tỷ đồng) để nhập khẩu thêm thiết bị và mở rộng nhà máy. Những khoản đầu tư này nhanh chóng giúp ông gặt hái quả ngọt khi thu về khoản lợi nhuận ròng hơn 5 triệu NDT (hơn 17,4 tỷ đồng) trong 5 tháng đầu.

Được đà, Chúc Nghĩa Tài liên tiếp thâu tóm 17 doanh nghiệp nhà nước quy mô vừa ở Giang Tô, An Huy, Hà Bắc, Liêu Ninh, Tứ Xuyên và những nơi khác rồi đầu tư gần 1 tỷ NDT (hơn 3.486 tỷ đồng) để cải tạo và mở rộng chúng. Tất cả những doanh nghiệp này đều hoạt động tốt giúp “đế chế thịt đông lạnh” của Chúc Nghĩa Tài ngày càng phát triển. Năm 2001, Chúc Nghĩa Tài lọt vào danh sách những người giàu nhất Trung Quốc của Forbes với tài sản ròng 880 triệu NTD (hơn 684 tỷ đồng).

Bắt đầu từ năm 2000, Tập đoàn Yurun tiếp tục mở rộng và điên cuồng bước vào lĩnh vực bất động sản, công nghệ cao và tài chính. Đồng thời chấp nhận khoản đầu tư 30 triệu USD từ ngân hàng Goldman Sachs. Với khoản đầu tư này, Tập đoàn Yurun niêm yết thành công tại thị trường Hong Kong và huy động được 2 tỷ NDT (gần 7.000 tỷ đồng).  Đánh giá từ các báo cáo tài chính do Yurun công bố trong năm 2002 cho thấy, doanh thu của Nanjing Jinfurun Food - công ty con của Yurun, nhà máy Fuyang và nhà máy Donghai liên tục đạt doanh thu khủng. 

Chủ đại lý thuỷ sản lãi hơn 16,7 tỷ đồng/năm vẫn bỏ nghề đi buôn thịt: Đến khi thành “vua thịt lợn” lại vướng vòng lao lý vì một chữ "tham"- Ảnh 2.

Ảnh: Toutiao

Tuy nhiên, sự thịnh vượng này chỉ là bề nổi khi ngành sản xuất thịt đông lạnh lúc này đã bắt đầu có sự cạnh tranh khốc liệt về giá. Dưới sức ép về tài chính, chất lượng sản phẩm thịt của Yurun không được đảm bảo. Vào năm 2011, sản phẩm thịt của doanh nghiệp này bị phát hiện có chứa clenbuterol, chất gây ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ. 

Tuy nhiên, vì trước đó Chúc Nghĩa Tài đã đầu tư nhiều tiền vào các ngành khác nên không còn tiền để điều chỉnh hoạt động kinh doanh sản xuất thịt đông lạnh. Do đó, doanh thu ở ngành mũi nhọn này bị giảm sút một cách trầm trọng, khiến dòng tiền của Tập đoàn Yurun cũng bị ảnh hưởng.

Để giải quyết vấn đề tài chính, Chúc Nghĩa Tài thông báo xây dựng các trang trại trên khắp Trung Quốc nhưng thực tế là không có con lợn nào trong trang trại này. Mục đích của việc này là để giúp tập đoàn gian lận tiền bảo hiểm và duy trì dòng tiền. Sau đó, hành vi lừa tiền bảo hiểm của Chúc Nghĩa Tài đã bị phanh phui khiến những khoản đầu tư cho ngành chăn nuôi của Yurun cũng bị đứt đoạn. 

Năm 2015, thông tin Chúc Nghĩa Tài đã bị cơ quan chức năng điều tra và tiến hành giam giữ trong 4 năm khiến dư luận dậy sóng. Các nhà đầu tư nhận thấy Yurun sắp phá sản nên cũng lần lượt rút vốn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Tập đoàn Yurun đã phải gánh khoản nợ 70 tỷ NDT (hơn 244.000 tỷ đồng) và thậm chí không thể trả lương cho nhân viên của mình. Năm 2019, Chúc Nghĩa Tài được thả tự do nhưng lúc này, Tập đoàn Yurun của ông cũng đã phá sản. Vào tháng 1/2020, 7 công ty liên quan đến Yurun cũng lần lượt đệ đơn phá sản và tái tổ chức. 

Sau câu chuyện hào quang tàn lụi của cuộc đời tỷ phú Chúc Nghĩa Tài, nhiều người có lẽ cũng rút ra được bài học sâu sắc cho mình. Trong cuộc sống, ai cũng muốn được giàu có, tuy nhiên nếu làm giàu một cách mù quáng, vi phạm pháp luật thì cuối cùng sẽ phải trả một cái giá rất đắt cho mình.

 (Theo Toutiao)